Nội dung của cuộn giấy có thể mang đến những góc nhìn mới về triết học của Plato. Những chi tiết về đêm cuối cùng của cuộc đời ông có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những suy nghĩ và quan điểm của ông trong những giây phút cuối cùng.
Plato (khoảng năm 428/427 TCN – 348/347 TCN) là một triết gia Hy Lạp cổ đại, được xem là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại. Ông không chỉ nổi tiếng với những đóng góp to lớn cho triết học mà còn ẩn chứa nhiều bí ẩn khiến các nhà nghiên cứu và học giả luôn tò mò khám phá.
Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ tiên tiến để giải mã những bí mật từ cuộn giấy carbon hóa bị chôn vùi sau vụ phun trào núi Vesuvius (cuộn giấy Herculaneum) vào năm 79 sau Công Nguyên. Cuộn giấy này được cho là được viết bởi Philodemus xứ Gadara, một nhà thơ và triết gia sống ở Herculaneum, cung cấp những chi tiết mới về nơi an nghỉ cuối cùng của Plato và thậm chí cả đêm cuối cùng của ông.
Bằng cách sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp kết hợp quang học, hình ảnh siêu phổ hồng ngoại và cơ chế học máy, các nhà nghiên cứu từ dự án nghiên cứu của Trường học Hy Lạp (Greek Schools research project) đã có thể quét các ký tự bị “mắc kẹt” trong cuộn giấy carbon hóa. Họ đã giải mã được khoảng 1.000 từ, làm sáng tỏ những ngày cuối đời và cái chết của Plato.
Trước đây, chúng ta biết Plato được chôn cất tại Học viện Plato, học viện triết học do ông thành lập ở Athens, nhưng địa điểm chính xác về nơi chôn cất của ông vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, một cuộn giấy cổ từ thành phố Herculaneum, tương tự như Pompeii, đã bị tàn phá bởi vụ phun trào Vesuvius, giờ đây đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu một manh mối mới.
Theo Giáo sư Graziano Ranocchia, nhà nghiên cứu chính của dự án, văn bản mô tả Plato được an nghỉ trong một khu vườn riêng gần đền thờ các Muses của Học viện Plato. Khu vườn riêng này được coi là nơi tôn nghiêm dành riêng cho Plato trong khuôn viên trường học.
Cuộn giấy cũng cung cấp cái nhìn thoáng qua về những giờ phút cuối cùng của Plato. Mặc dù trước đây chúng ta biết ông qua đời vào khoảng năm 347 trước Công nguyên nhưng thông tin chi tiết về sự ra đi của ông rất khan hiếm. Văn bản mới được giải mã cho thấy, Plato đã dành buổi tối cuối cùng của mình để nghe nhạc, nhưng với một khuynh hướng đặc trưng. Ngay cả trong tình trạng suy yếu của mình, nhà triết học vẫn có thể tìm ra lỗi trong nhịp điệu của nhạc sĩ. Giai thoại này, tuy có vẻ tầm thường, nhưng lại đưa ra một góc nhìn hấp dẫn về tính cách của Plato – một người luôn hết mình vì lý trí và trật tự ngay cả trong những giây phút cuối đời.
Điều thú vị là cuộn giấy này cũng thách thức niềm tin trước đây về cuộc đời của Plato. Trước phát hiện này, các nhà sử học cho rằng Plato đã bị bán làm nô lệ ở Sicily vào khoảng năm 387 trước Công nguyên. Tuy nhiên những thông tin đến từ cuộn giấy này lại cho thấy ông có thể đã bị bắt làm nô lệ sớm hơn, có thể là trên đảo Aegina vào năm 404 trước Công nguyên hoặc 399 trước Công nguyên. Sự thay đổi trong dòng thời gian có thể thúc đẩy việc đánh giá lại những giai đoạn nhất định trong cuộc đời Plato.
Một khía cạnh thú vị khác của nghiên cứu là công nghệ được sử dụng để giải mã cuộn giấy. Do niên đại lâu đời, hơn 1.800 cuộn giấy cói bị carbon hóa, được bảo quản trong tro từ vụ phun trào núi lửa Vesuvius năm 79 sau Công nguyên ở Biệt thự Papyrus tại Herculaneum, đã không thể mở ra trực tiếp vì điều này sẽ khiến chúng bị hủy hoại hoàn toàn.
Những nỗ lực ban đầu để mở các cuộn giấy được phát hiện bởi một công nhân nông trại vào năm 1750 đã dẫn đến việc chúng bị phá hủy, khiến nội dung bị mất vĩnh viễn. Tuy nhiên, năm ngoái đánh dấu một bước đột phá quan trọng khi từ “màu tím” lần đầu tiên được giải mã từ một cuộn giấy cói chưa mở, mang lại phần thưởng 40.000 USD cho người thực hiện.
Các cuộn giấy Herculaneum cho tới nay vẫn là một kho tàng kiến thức cổ xưa, mang đến những cái nhìn thoáng qua về quá khứ. Mặc dù việc giải mã những cổ vật mỏng manh này là một quá trình khó khăn nhưng phần thưởng lại rất lớn. Trong trường hợp của Plato, chúng ta có được sự đánh giá sâu sắc hơn đối với con người đằng sau triết lý này, và có lẽ thậm chí còn có sự tôn trọng mới đối với sự phê bình âm nhạc của ông!