Các nhà khoa học đã phục dựng lại khuôn mặt của vị pharaoh Ai Cập cổ đại bị giết hại dã man cách đây 3.500 năm, tiết lộ số phận đau đớn của vị vua.
Seqenenre Tao là vị pharaoh cai trị cuối cùng của vương quốc địa phương thuộc Vương quốc Thebes, Ai Cập, trong Vương triều XVII trong Thời kỳ Chuyển tiếp thứ Hai của Ai Cập. Ông thường được gọi với cái tên “người dũng cảm” bởi ông đã bị sát hại ở tuổi 40 khi đang cố gắng giải phóng Ai Cập khỏi sự cai trị của người Hyksos vào năm 1555 trước Công nguyên.
Một nhóm các nhà khảo cổ học tại Đại học Flinders (Australia) đã phục dựng lại khuôn mặt của ông bằng cách sử dụng ảnh chụp CT và X-quang những phần hộp sọ còn sót lại. Từ đó cho thấy vị pharaoh này là người gốc Nubian, có đôi mắt nhỏ, đôi môi mỏng và gò má cao.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khôi phục bằng cách vẽ ra một bản mô tả kỹ thuật số về khuôn mặt của nhà vua và điều chỉnh cho màu da giống với người Ai Cập cổ đại. Ngoài ra, lông mi và lông mày của Toa cũng là những yếu tố chủ quan nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng chúng gần nhất với hình dáng của một vị vua thời cổ đại.
Đồng thời, từ hộp sọ của ông được các nhà khảo cổ học tìm thấy tại khu lăng mộ có tên Deir el-Bahri trong nghĩa địa Theban năm 1886, người ta khám phá ra rằng đã có rất nhiều kẻ tấn công Tao từ nhiều hướng khác nhau và gây ra cái chết của ông. Họ đã tạo ra những hình vẽ mô tả chính xác các vũ khí đã khiến ông bị thương thế nào. Từ đó cho thấy một chiếc rìu tạo ra vết thương lớn xuyên qua não có thể là nguyên nhân giết chết nhà vua.
Gaston Maspero, nhà Ai Cập học người Pháp, cũng là người đã phát hiện ra hài cốt vị pharaoh dũng cảm này trong số hàng trăm quan tài và xác ướp vào năm 1886 nhận định, Tao có thân hình mảnh khảnh, đầu nhỏ và thon dài, mái tóc đen, mịn và xoăn – dựa trên phần tóc còn sót lại trên xác ướp.
Vị pharaoh này đã cai trị miền nam, vùng Theban của Ai Cập từ khoảng năm 1560–1555 trước Công nguyên, trong Vương triều thứ mười bảy. Vào thời điểm này, vùng hạ và trung Ai Cập bị chiếm đóng bởi người Hyksos – một triều đại gốc Palestine cai trị thành phố Avaris ở đồng bằng sông Nile.
Tao là cha của hai pharaoh – Kamose, người kế vị trực tiếp của ông và Ahmose, người cai trị theo quyền nhiếp chính của mẹ ông.
Các nhà Ai Cập học James Harris và Kent Weeks, những người đã thực hiện khám nghiệm pháp y cho Tao vào những năm 1960 cho hay “mùi dầu hôi thối tràn ngập căn phòng vào thời điểm chiếc tủ trưng bày thi thể của ông được mở ra”. Mùi này được cho là do chất dịch cơ thể còn sót lại trong xác ướp khi chôn cất.
Trong quá trình ướp xác, những người thực hiện nghi lễ sẽ bọc cơ thể bằng khoáng chất để làm khô. Nhưng các chuyên gia cho rằng, việc ướp xác Tao được thực hiện gấp rút vì cơ thể ông còn sót lại nhiều chất dịch. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân.