Thời tiết nóng và khô ở bang Texas của Mỹ đang khiến một loạt hóa thạch quý hiếm tự động lộ diện, là những “bóng ma” của một cuộc chiến quái thú cổ đại.
Theo BBC, đó là một loạt vết chân hằn sâu trong đá đã tự lộ diện với thế giới sau 110 triệu năm tuyệt tích. Chúng thuộc về Acrocanthosaurus và Sauropodseidon, hai loài quái thú từng hùng cứ mảnh đất nay là miền Tây nước Mỹ suốt thời đại khủng long.
“Theo một cách nào đó, nó gần giống như một cuộc truy tìm kho báu” – Giám đốc truyền thông Paul Baker của Công viên tiểu bang Thung lũng khủng long, nơi các hóa thạch vừa xuất hiện, nói với CNN.
Theo ông Baker, chưa bao giờ nhiều dấu chân khủng long như thế được phát hiện tại cùng một địa điểm. Trước đó, bùn và điều kiện ẩm ướt đã che lấp, bảo quản chúng. Nhưng thời tiết khô nóng đã trở thành một cuộc khai quật tự nhiên.
Dựa theo các dấu vết, những con Acrocanthosaurus 3 ngón – thuộc dòng họ Carcharodontosaurids, tức “dị long răng cá mập”, xuất hiện khắp khu vực.
Acrocanthosaurus có vẻ ngoài khá giống khủng long bạo chúa T-rex. Dòng họ dị long răng cá mập của nó cũng cùng thuộc một nhóm lớn hơn là “khủng long chân thú” với T-rex.
Với hàm răng kinh khủng, móng vuốt sắc, Acrocanthosaurus là một trong những động vật săn mồi đỉnh cao của kỷ Phấn Trắng. Con lớn nhất từng được ghi nhận có chiều dài hơn 11 m, nặng hơn 7 tấn.
Tại mảnh đất này, Acrocanthosaurus thậm chí săn đuổi các Sauropodseidon, một loài thuộc dòng họ Sauropod, tức “khủng long chân thằn lằn” hiền lành dù có kích thước to lớn nhất trong thế giới khủng long.
Các Sauropodseidon được khai quật tại Mỹ có chiều dài khi còn sống trên dưới 30m, cao 6-7m, nặng khoảng 40-60 tấn.
Hóa thạch dấu chân trông có vẻ không “hoành tráng” như các bộ xương nhưng là lại hóa thạch đặc biệt quý giá với ngành cổ sinh vật học.
Chúng chính là “phim âm bản” giúp các nhà khoa học có thể tìm hiểu chi tiết về hình dáng bên ngoài, lớp da, cách mà sinh vật đó đã di chuyển, săn mồi… Nhờ đó tái hiện lại hình dạng chuẩn xác hơn của những con quái thú đã tuyệt chủng này.