Khám phá ngôi mộ đặc biệt thời nhà Minh trên núi Ngũ Phong

Phát hiện ngôi mộ thời nhà Minh với cách an táng phu thê đặc biệt, mở ra câu chuyện khảo cổ hấp dẫn.

Năm 1954, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một ngôi mộ đặc biệt có niên đại vào thời nhà Minh ở trên núi Ngũ Phong, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Đây là một ngôi mộ phu thê hợp táng khi tìm thấy hài cốt của một người đàn ông và bốn người phụ nữ.

Điều này khiến các chuyên gia bất ngờ, bởi lẽ những ngôi mộ thông thường hợp táng phu thê chỉ có 2 người. Ngôi mộ này có một người đàn ông nhưng lại có tới bốn người phụ nữ. Do đó, thân phận của chủ nhân ngôi mộ chắc hẳn không hề tầm thường.

Sau khi nghiên cứu ghi chép trên văn bia cùng những manh mối trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học cuối cùng cũng đã xác định được chủ nhân của ngôi mộ chính là Trương An Vãn, một vị tiến sĩ thời nhà Minh. Trong khi đó, bốn người phụ nữ còn lại là chính thất và các tiểu thiếp của vị tiến sĩ này.

Tuy nhiên, cách thức chôn cất ở ngôi mộ thời nhà Minh này rất khác so với phong tục an táng truyền thống. Theo lý giải của các nhà khảo cổ học, vào thời phong kiến, chỉ có chính thất mới được an táng cùng chồng. Trong khi đó, những người tiểu thiếp được chôn cất cùng nhau.

Thế nhưng trong ngôi mộ này, các tiểu thiếp lại được chôn cùng với chính thất. Điều này rất hiếm gặp. Có lẽ do người vợ và các tiểu thiếp trong ngôi mộ này chung sống với nhau khá hoà hợp.

Trong quá trình khai quật, các chuyên gia nhận định những đồ tuỳ táng của chủ nhân ngôi mộ không có gì đáng chú ý. Nhưng họ lại vô cùng phấn khích khi phát hiện có một bảo vật được đặt trên đầu một vị thiếp. Đó là chiếc kẹp tóc có một con ve sầu bằng vàng được đặt trên lá ngọc.

Dù có kích thước nhỏ nhưng bảo vật này được chế tác vô cùng tinh xảo. Không ai có thể ngờ rằng một con ve sầu bằng vàng tinh xảo như vậy lại được tìm thấy ở trong khu chôn cất của một người tiểu thiếp.

"Kim thiền ngọc diệp" - con ve vàng và lá ngọc được tìm thấy trong ngôi mộ cổ thời nhà Minh.
"Kim thiền ngọc diệp" – con ve vàng và lá ngọc được tìm thấy trong ngôi mộ cổ thời nhà Minh.

Con ve sầu được làm bằng vàng rất sống động, giống như thật, thậm chí còn có thể thấy rõ các hoa văn trên cánh. Chiếc lá ngọc được chế tác từ Dương chi bạch ngọc, một loại đá quý thuộc hàng cực phẩm thời xưa. Lá ngọc được chạm khắc khéo léo và tinh xảo khi có thể nhìn rõ cả đường vân của lá.

Sự kết hợp hoàn hảo của hai món đồ tinh xảo khiến các chuyên gia bất ngờ. Bởi ngay cả trong thời công nghệ tiên tiến như hiện nay, rất ít người có thể làm ra những món đồ tinh xảo như vậy. Điều này cho thấy kỹ thuật chế tác và trình độ thẩm mỹ của người xưa rất cao.

Nhìn tổng thể, con ve sầu bằng vàng trên lá ngọc quả là một báu vật hiếm có. Có thông tin cho rằng, con ve sầu này nặng tới 80 gram và có hàm lượng vàng lên tới 90%. Theo các chuyên gia, giá trị của nó ước tính lên tới 900 triệu NDT (khoảng 3.254 tỷ VNĐ). Cho dù trong quá khứ và hiện tại, cặp “kim thiền ngọc diệp” này vẫn vô cùng quý giá và được giới chuyên môn đánh giá cao.

Thậm chí, theo các chuyên gia, giá trị của báu vật này còn khó ước tính hơn bởi nó không những đắt giá về mặt tiền bạc mà còn có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt, việc vẫn còn nguyên vẹn và sống động trong mộ cổ sau hàng trăm năm cho thấy công nghệ chế tác bậc thầy của những nghệ nhân thời nhà Minh.

Vì sao báu vật được đặt trên đầu của tiểu thiếp?

Thời xa xưa, ve sầu không chỉ là một loài động vật thông thường mà còn mang những ý nghĩa vô cùng quan trọng. Người xưa có câu: “Ve sầu thoát xác”. Theo nghĩa đen, ve sầu thoát xác chính là để chỉ con ve sầu sẽ phá vỡ vỏ bọc để chui ra ngoài. Bên cạnh đó, ve sầu thường biến mất vào mùa thu và xuất hiện trở lại vào mùa hè năm sau. Do đó, từ thời xa xưa, ve sầu còn tượng trưng cho vòng tuần hoàn bắt đầu và kết thúc.

Ve sầu vàng được đặt trong mộ cổ với mong muốn giống như ve sầu khi có thể lặp lại vòng tuần hoàn. Điều này cũng cho thấy chủ nhân ngôi mộ có thể muốn người phụ nữ mình yêu được yên nghỉ và nhanh chóng tái sinh. Với nhiều hàm ý sâu xa, việc đặt “kim thiền ngọc diệp” trên đầu người tiểu thiếp có thể thấy rằng chủ nhân của ngôi mộ rất quan tâm, cưng chiều và dành nhiều tình cảm cho người phụ nữ này.

Hơn nữa, sau khi nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện ra rằng gia thế của Trương An Vãn không cao. Trong xã hội hiện đại, vị tiến sĩ này có thể được coi là tầng lớp trung lưu, không phải một gia đình quyền thế vào thời điểm đó. Thế nhưng chỉ cần dựa vào vị trí đặt bảo vật giá trị nhất trong ngôi mộ, có thể biết được tình yêu cả đời của Trương An Vãn là dành cho người tiểu thiếp này.

Không quá lời khi cho rằng chiếc kẹp tóc con ve sầu vàng trên lá ngọc có thể chính là biểu tượng cho tình yêu của chủ nhân ngôi mộ dành cho người tiểu thiếp của mình, khác với tư tưởng thời phong kiến. Đây quả thực là một câu chuyện tình yêu “thiên trường địa cửu” đáng ghen tị, bởi tiểu thiếp thường có địa vị rất thấp, không được coi trọng như chính thất.

Con ve vàng trên lá ngọc hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nam Kinh và trở thành bảo vật ở nơi đây.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657