Khu lăng mộ này nằm trong tàn tích của một thành phố cổ thời nhà Thương (năm 1600-1046 trước Công Nguyên) ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam ở miền Trung của Trung Quốc ngày nay.
Phát hiện trên là kết quả của một loạt các hoạt động khai quật được thực hiện từ năm 2021-2023 và được công bố tại cuộc họp thường niên về thành tựu công tác khảo cổ học ở tỉnh Hà Nam được tổ chức gần đây.
Khu phức hợp lăng mộ có niên đại khoảng 3.400 năm, với những phần còn sót lại trải rộng trên diện tích khoảng 20.000m2.
Khu phức hợp gồm hệ thống các đường hầm dẫn tới nơi chôn cất, các ngôi mộ và hài cốt của những người hiến tế, cùng những đồ vật khác.
Các nhà khảo cổ đã khai quật từ khu lăng mộ một mặt nạ tang lễ bằng vàng hình vỏ sò, đồ gốm màu ngọc lam, đồng và ngọc bích.
Nhà nghiên cứu Huang Fucheng thuộc Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ học thành phố Trịnh Châu cho biết nghĩa địa cổ đại này là khu vực lăng mộ quý tộc lâu đời nhất được khai quật cho đến nay, có ý nghĩa to lớn trong việc tìm hiểu và khám phá về nghi thức chôn cất của Trung Quốc.