Người Trung Quốc xưa rất coi trọng vùng đất này.
Được mệnh danh là “Long mạch” của Trung Quốc, dãy núi Tần Lĩnh chiếm vị trí độc nhất trong lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Có 751 đỉnh được đặt tên trên núi. Cao nhất trong số đó là Thái Bạch Sơn (3.767 mét).
Là một trong những dãy núi lâu đời nhất ở Trung Quốc, Tần Lĩnh có lịch sử hơn 200 triệu năm. Dãy núi này chạy theo hướng đông-tây, trải dài hơn 1.600km ở miền Trung Trung Quốc. Tần Lĩnh đi qua các tỉnh Cam Túc, Thiểm Tây, Hà Nam và An Huy.
Đầu phía tây của dãy Tần Lĩnh nằm ở vùng núi của Trung Quốc, với dãy núi Côn Lôn ở phía tây và dãy núi Kỳ Liên Sơn ở phía tây bắc. Đầu phía đông giáp vùng đất bằng phẳng nơi Hoài Hà (sông Hoài) kéo dài từ núi ra biển.
Dãy Tần Lĩnh và Hoài Hà tạo thành “Đường Tần-Hà”, từ lâu đã được coi là ranh giới tự nhiên giữa miền Bắc và miền Nam Trung Quốc. “Đường Tần-Hà” có tác dụng như một rào cản che chắn miền Nam khỏi gió lạnh phương Bắc và ngăn không khí ẩm phía Nam xâm nhập lên miền Bắc.
Tần Lĩnh tách khí hậu cận nhiệt đới ẩm ở phía Nam khỏi khí hậu ôn đới khô ở phía Bắc. Nó cũng tạo thành đường phân thủy giữa hai con sông lớn nhất Trung Quốc – sông Hoàng Hà ở phía Bắc và sông Dương Tử ở phía Nam.
Vì sao người xưa chọn Tần Lĩnh làm nơi yên nghỉ cho bậc đế vương?
Từ ngàn năm trước, dãy núi Tần Lĩnh luôn là vùng đất kho báu địa chất được người Trung Quốc cổ đại coi trọng. Các hoàng đế nhà Tần, nhà Hán, nhà Đường và các triều đại khác đã được chôn cất xung quanh dãy núi Tần Lĩnh sau khi họ qua đời, cũng như vô số hoàng tử, quý tộc và chức sắc cũng yên nghỉ tại vùng đất “long mạch” này.
Từ xa xưa đã có câu nói “Tám trăm ngọn núi Tần Lĩnh, Một trăm ngàn cổ mộ” để mô tả số lượng lớn các ngôi mộ cổ ở dãy núi Tần Lĩnh. (Tám trăm ngọn núi là con số tương đối mà người Trung Quốc xưa sử dụng so với số ngọn núi thực 751 đỉnh ở Tần Lĩnh).
Theo quan điểm của người xưa về Âm Dương và Ngũ hành, núi Tần Lĩnh là “Long mạch” rất nổi tiếng.
Trong đó, hình thái của các đỉnh núi khác nhau của Tần Lĩnh là “gân rồng”, đá là “xương rồng”, đất là “máu thịt của rồng”, thảm thực vật là “mao rồng”.
Trước khi chôn cất người đã khuất, người xưa thường “Tìm rồng” – một phương pháp tìm kiếm vị trí của huyết mạch tổ tiên, chủ yếu bao gồm “Tìm rồng, quan sát cát, quan sát nước, gõ huyệt, định phương hướng”.
Trong số tất cả các “long mạch” ở Trung Quốc, nếu núi Côn Lôn là nguồn gốc của “long mạch” trong nền văn minh Trung Quốc thì dãy núi Tần Lĩnh là “long mạch” quan trọng nhất trong quan niệm của người xưa.
Chính vì lý do này mà người xưa rất coi trọng dãy núi Tần Lĩnh. Theo quan niệm của người Trung Quốc xưa, việc chọn mộ tổ tiên ở dãy núi này có thể phù trợ cho con cháu ngàn đời sau.
Địa linh của Trung Quốc
Ngày nay, ở Tần Lĩnh, nhiều người có thể chiêm ngưỡng lăng mộ của các hoàng đế từ thời nhà Tần, nhà Hán đến nhà Đường.
Có hai thành phố quan trọng gần Tần Lĩnh, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa cổ xưa của Trung Quốc đó là Tây An và Lạc Dương.
Thành phố Tây An (thuộc Thiểm Tây), trước đây là Trường An, là nơi bảo tồn tàn tích của một thành phố thời tiền sử 6.000 năm tuổi – thành phố cổ nhất được tìm thấy ở Trung Quốc.
Là kinh đô của 13 triều đại Trung Quốc, bao gồm cả các triều đại nhà Hán và nhà Đường hùng mạnh, Tây An/Trường An là một trong “Tứ đại cố đô” của Trung Quốc. Đây cũng là thành phố đầu tiên trên thế giới có dân số một triệu người, vào khoảng năm 750 sau Công nguyên.
Là điểm khởi hành phía đông của Con đường tơ lụa cổ đại, thành phố Tây An là trung tâm thương mại quốc tế và trao đổi văn hóa. Đây là trung tâm tôn giáo lớn của Đạo giáo, Phật giáo và Hồi giáo.
Năm 1974, những người nông dân đào giếng gần Tây An đã tìm thấy lăng mộ khổng lồ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng với một đội quân hơn 8.000 chiến binh đất nung có kích thước như người thật.
Cách Tây An 380 km về phía đông là thành cổ Lạc Dương – một cố đô khác sánh ngang với Tây An về ý nghĩa lịch sử. Lạc Dương có truyền thống văn hóa văn học lâu đời, đặc biệt là Nho học.
“Ngân hàng gene” sinh học hoang dã
Ngoài giá trị văn hóa cổ xưa, dãy núi Tần Lĩnh còn có phong cảnh thiên nhiên rất đẹp, đặc biệt là các núi Chung Nam Sơn và Thái Bạch Sơn.
Phong cảnh Chung Nam Sơn rất đẹp. Là đỉnh chính của dãy Tần Lĩnh, trong lịch sử, rất nhiều ẩn sĩ Đạo giáo từ thời nhà Tần, tu sĩ Phật giáo… đã chọn sống ẩn dật ở Chung Nam Sơn. Thậm chí ngày nay cũng có nhiều người đến đây sinh sống.
Một điều nữa cũng phải nói đến là dãy núi Tần Lĩnh là khu vực có nhiều động/thực vật hoang dã – “báu vật” hoang dã của đất nước này. Tần Lĩnh, chủ yếu trải dài ở tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc, có diện tích hơn 50.000km2 và được mệnh danh là “Ngân hàng gene” sinh học hoang dã của Trung Quốc vì nơi đây có rất nhiều loại thực vật và động vật hoang dã, Tân Hoa Xã thông tin.
Dữ liệu từ Cơ quan lâm nghiệp địa phương cho thấy Tần Lĩnh là nơi sinh sống của khoảng 3.800 loại thực vật có hạt và 587 loài động vật hoang dã, trong số đó phải kể đến linh dương, khỉ vàng, gấu trúc khổng lồ…
Khi nhắc đến gấu trúc khổng lồ, nhiều người nghĩ ngay đến Tứ Xuyên, tuy nhiên trên thực tế, Thiểm Tây mới là khu vực có số lượng gấu trúc khổng lồ hoang dã lớn nhất.
Những con gấu trúc khổng lồ ở Thiểm Tây sống ở vùng đất chính ở dãy núi Tần Lĩnh. Hiện nay Công viên hoang dã Tần Lĩnh là vườn thú rất nổi tiếng ở Trung Quốc.