Trước đây trên đỉnh Tháp Rùa từng có một bức tượng rất đẹp do người Pháp xây dựng. “Trái tim Hồ Gươm” còn có nhiều tên gọi và gắn với những câu chuyện thú vị mà ít người biết đến.
Khi nói đến các biểu tượng của Hà Nội, Tháp Rùa chắc chắn sẽ được nhắc đến. Nó không chỉ là ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa Hồ Hoàn Kiếm, mà còn là một chứng nhân lịch sử, huyền thoại về di sản văn hóa và lịch sử của Thủ đô. Thế nên bất cứ ai khi đến thăm Hà Nội, ghé qua Hồ Gươm đều ấn tượng với Tháp Rùa.
Nổi tiếng là vậy nhưng có lẽ còn nhiều chuyện về Tháp Rùa mà mọi người vẫn chưa biết được. Gò đất có Tháp Rùa đầu tiên được vua Lê Thánh Tông xây Điếu Đài để đi câu cá. Đến thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh lại xây đình Tả Vọng. Nhưng sang thời nhà Nguyễn thì nơi này hoàn toàn không còn dấu tích gì nữa. Năm 1886, ông bá hộ Kim (người làm trung gian giữa quân Pháp với người Việt) đã cho xây một ngọn tháp ba tầng ở đây vì thấy gò đất này rất phong thủy. Cái tên đặc biệt của Tháp Rùa cũng ra đời từ đây: Tháp Bá hộ Kim.
Nhưng đây chưa phải tên gọi hiếm biết nhất của Tháp Rùa. Được biết, bên trong tháp, sát tường phía tây có một ban thờ nhưng không ai biết thờ ai và có từ bao giờ. Bức tường phía đông của tầng ba lại có dòng chữ “Quy Sơn Tháp” (Tháp Núi Rùa). Tương truyền đây là nơi cụ rùa Hồ Gươm thường lên nghỉ ngơi, phơi nắng. Cái tên “Quy Sơn Tháp” này chắc hẳn nhiều người còn chưa từng nghe qua, nhưng được nhiều chuyên gia công nhận là tên gọi của Tháp Rùa.
Cũng trong thời kỳ Pháp thuộc đó, trên đỉnh Tháp Rùa có một bức tượng Nữ Thần Tự Do phiên bản nhỏ hơn của nước Mỹ. Người dân Hà Nội vẫn châm biếm gọi nó là tượng bà đầm xòe. Sang thập niên 1950, tượng đã bị phá bỏ và nay không còn dấu tích gì.
Người ta đồn rằng bá hộ Kim chủ đích xây tháp ở gò đất này vì tin rằng nếu chôn hài cốt cha mẹ ở đó, con cháu sẽ muôn đời làm quan to. Ông ta sắp xếp đưa hài cốt phụ mẫu ra đặt sẵn vào gò từ trước. Nhưng hôm sau khởi công thì hai bộ xương đã bị bới tung lên, vứt xuống hồ rồi. Bá hộ Kim cũng không thể làm gì ngoài im lặng vờ như không có chuyện gì xảy ra. Đây cũng chỉ là câu chuyện truyền miệng, hoàn toàn không có ghi chép chứng thực.
Thế nhưng, như nhà sử học Lê Văn Lan từng nói trên “Tạp chí Nghiên cứu Phật học” số 1 năm 2015, những câu chuyện xoay quanh Tháp Rùa vốn dĩ lẫn lộn hư và thực, truyền thuyết và lịch sử như vậy. Chỉ biết rằng ở bất cứ thời kỳ nào, đây vẫn là công trình biểu tượng, thân thương và linh thiêng của Thủ đô Hà Nội.