Tàn tích của chiếc nồi nấu cháo bị cháy ở Đức đã khẳng định rằng, con người đã biết nấu cháo từ 5000 năm trước.
Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí PLOS One, các nhà khảo cổ đã phát hiện điều này sau khi kiểm tra đống rác bao gồm các mảnh gốm hỗn hợp tại một khu định cư thời kỳ đồ đá mới mà các nhà nghiên cứu coi là một trong những ngôi làng lâu đời nhất ở Đức.
Các phân tích hóa học về chất cặn còn sót lại trên các mảnh gốm cho thấy, dấu vết của các loại ngũ cốc cổ xưa khác nhau, bao gồm cả lúa mì và lúa mạch.
Kubiak-Martens, Đại học Kiel, Đức cho biết: “Một mảnh gốm từng là một phần của chiếc nồi có thành dày, chứa phần còn lại của hạt chân ngỗng trắng, có liên quan đến hạt quinoa và giàu protein. Ngoài ra còn có emmer, khi nảy mầm, có vị ngọt. Có vẻ như ai đó đã trộn hạt ngũ cốc với những hạt giàu protein rồi nấu với nước”.
Trong khi có bằng chứng cho thấy con người nghiền yến mạch hoang dã, có thể để làm bột, cách đây 32.000 năm ở Ý, chiếc nồi vỡ mới được mô tả có thể đại diện cho nỗ lực nấu cháo đầu tiên được ghi nhận (và đã thất bại).
Một mảnh gốm riêng biệt chứa cặn mỡ động vật – rất có thể là sữa – đã thấm vào đất sét.
Kubiak-Martens cho biết: “Các loại ngũ cốc đã nảy mầm cũng cho chúng ta biết thời điểm họ thu hoạch, tức là chúng nảy mầm vào khoảng cuối mùa hè. Lúc đó, họ không thể cất giữ ngũ cốc mà phải sử dụng ngay sau khi thu hoạch”.
Trong khi các phân tích trước đây về mẫu đất đã cho thấy bằng chứng về việc nấu ăn bằng các loại ngũ cốc và hạt cổ xưa tương tự trong khoảng thời gian này, nghiên cứu này đánh dấu lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tìm thấy cặn thức ăn bị cháy trên một chiếc bình gốm ở Đức thời đồ đá mới và cung cấp một số hiểu biết về chế độ ăn uống của con người xa xưa.
Qua đó, các nhà nghiên cứu nhận định rằng, hàng ngàn năm trước, con người đã biết nấu cháo để ăn.