Hai bộ xương quái vật hóa thạch được tìm thấy ở bang Bavaria – Đức đã viết tên một loài và cả một chi mới vào “gia phả” thằn lằn cổ rắn.
Theo Sci-News, loài mới được đặt tên là Franconiasaurus brevispinus và thuộc về một chi cũng hoàn toàn mới.
Niên đại của hai mẫu vật (hai bộ xương được bảo quản tinh xảo, 3 chiều) khoảng 175 triệu năm, tức chúng sống vào thế Jura sớm của kỷ Jura.
“Trong suốt lịch sử tiến hóa hơn 140 triệu năm, thằn lằn cổ rắn đã phân tán trên toàn cầu, đạt được sự đa dạng đáng kể, chiếm giữa nhiều hốc sinh thái và trải qua nhiều lần chuyển đổi hệ động vật” – TS Sven Sachs từ Bảo tàng Naturkunde Bielefeld, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Cũng theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Earth Science, giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thế địa chất Jura sớm và Jura giữa (175 đến 171 triệu năm trước) đã ảnh hưởng sâu sắc đến cả ba dòng dõi chính của thằn lằn cổ rắn.
Một trong ba dòng dõi đó là Rhomaleosauridae, đã sớm tuyệt chủng vào khoảng 161,5 triệu năm trước, trong khi hai dòng dõi còn lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Pliosauridae tạo thành một nhóm động vật ăn thịt khổng lồ thống trị hệ sinh thái biển 171 đến 90 triệu năm về trước.
Trong khi đó, Plesiosauroidea nhỏ hơn len lỏi từ vùng đại dương quanh châu Âu ngày nay lan tỏa đi khắp thế giới, cho đến khi bị thay thế bởi các loài cạnh tranh đầu kỷ Phấn trắng.
Trở lại với hai mẫu vật đã tìm thấy, chúng chính là loài đại diện tuyệt vời sống vào đầu thời kỳ chuyển tiếp Jura sớm – Jura giữa, có thể góp phần giải thích cách mà ba dòng dõi thằn lằn cổ rắn sau đó đã thay đổi.
Loài quái vật biển mới này thể hiện các đặc điểm kết hợp của của loài thằn lằn cổ rắn đầu tiên trên Trái đất với nhiều loài sau này.
Hai bộ xương hóa thạch của chúng đã được khai quật như một may mắn bất ngờ từ một hố khai thác đất sét bị bỏ hoang ở hệ tầng Jurensismergel thuộc thị trấn Mistelgau của bang Bavaria.