Sau một tháng triển khai, dự án thăm dò khai quật khảo cổ học khu vực phía Đông tháp K khu di tích Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên) đã phát lộ nhiều thông tin quý giá, càng khẳng định lòng đất Mỹ Sơn vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được giải mã.
Ngày 1/3/2024, dự án thăm dò khai quật khảo cổ học khu vực phía Đông tháp K do Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp Viện Khảo cổ học (Bộ VH-TT&DL) chính thức triển khai, tổng diện tích 220m2 (diện tích thăm dò 20m2 và diện tích khai quật 200m2). Thời gian kéo dài 2 tháng (kết thúc ngày 29/4).
Trên diện tích khai quật, bước đầu đã phát lộ nền móng của con đường đất dầm chặt (rộng 9m) dẫn vào quần thể di tích Mỹ Sơn.
Theo một cán bộ dự án, hiện chưa thể xác định chính xác tên gọi, chức năng của con đường hoặc chiều dài tận cùng bao nhiêu (cần tiếp tục nghiên cứu), nhưng giả thuyết về con đường chính mà người Chăm xưa đi vào Mỹ Sơn đã được củng cố chắc chắn.
“Mặc dù không phát hiện nhiều hiện vật nhưng quá trình khảo cổ cũng xuất hiện một số điểm lạ thường nên chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, tìm cách lý giải. Dù vậy, có thể khẳng định đây là con đường chính đi vào trung tâm di tích Mỹ Sơn xưa chứ không phải con đường du khách đang đi hiện nay” – vị cán bộ này nói.
Tháp K có niên đại khoảng thế kỷ 11-12, được xây dựng trên vùng đất phẳng rộng, cao ráo. Đây là ngôi tháp đơn lẻ nằm khá độc lập với các nhóm tháp khác. Qua khảo tả của các học giả Pháp đầu thế kỷ 20, tháp K như một cổng cửa mở theo hướng Đông – Tây và có tường gạch. Phù điêu gồm tượng 3 đầu 2 tay, có tượng sư tử, kiến trúc có 2 đầu hồi, không tìm thấy văn bia.
Nếu vào thung lũng Mỹ Sơn theo đường suối Khe Thẻ hoặc bằng đường bộ men theo bờ suối Khe Thẻ xưa thì công trình kiến trúc đầu tiên bắt gặp chính là tháp K. Vì nằm ở vị trí đặc biệt nên chức năng của tháp được các chuyên gia nhận định có thể đóng vai trò trạm đầu tiên đón tín đồ vào hành hương.
Năm 2016 – 2017, các chuyên gia Ấn Độ đã tiến hành thăm dò, khai quật, khảo cổ và trùng tu tháp K, quá trình này đã làm lộ rõ 2 tường bao của đường dẫn nằm phía Đông tháp K chạy vào các nhóm đền tháp chính trong thung lũng Mỹ Sơn. Quá trình thăm dò cũng phát hiện một số thành phần kiến trúc và mảnh gốm, tuy nhiên các chuyên gia Ấn Độ không tiếp tục khai quật thêm.
Đầu tháng 8/2023 Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp đoàn công tác Viện Khảo cổ do TS.Nguyễn Ngọc Quý chủ trì tiến hành mở 5 hố (mỗi hố có diện tích 4m2) khai quật thăm dò khu vực nhóm tháp K.
Tại khu vực phía Đông (phía sau) tháp K, phát hiện hai dấu tích tường bao phía bắc và phía nam của đường đi chạy dọc theo hướng Đông – Tây. Khu vực phía Tây (phía trước) của tháp K mở 3 hố thăm dò, phát hiện dấu tích móng đầm của con đường đi từ ngoài vào cửa tháp.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Lê Trí Công, căn cứ trên bố cục tổng thể Mỹ Sơn và tín ngưỡng người Chăm xưa, đây có thể là con đường hành lễ của giới tăng lữ, quý tộc, hoàng gia vường quốc Champa.
Cụ thể, điểm khởi đầu từ tháp K (tháp cổng – mandapa) và kết thúc tại nhóm tháp F hoặc E. Từ đây, sẽ tiếp tục có thêm những con đường khác qua nhóm G, A, B, C, D và có thể ra H giáp vòng theo chiều kim đồng hồ (mặc dù nhóm H còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm).
“Con đường này có thể có trước thế kỷ 11 – 12 (niên đại tháp K) tuy nhiên người Chăm đã gia cố mở rộng ổn định như chúng ta thấy ngày nay”, ông Lê Trí Công phỏng đoán.
Mỹ Sơn được người Chăm bắt đầu xây dựng từ thế kỷ IV và liên tục được bổ sung thêm các ngôi tháp lớn nhỏ trong nhiều thế kỷ sau đó, quá trình này chỉ kết thúc khi vùng đất phía bắc sông Thu Bồn sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt (1306).
Từ đầu thế kỷ XX, khi các nhà khoa học Pháp đến Mỹ Sơn nghiên cứu đã phát hiện nơi đây còn 68 công trình kiến trúc phân bố thành 8 cụm, mỗi cụm có một đền tháp chính và các đền tháp phụ trợ phân bố ở trung tâm thung lũng đường kính khoảng 2km, trục chính là suối Khe Thẻ
Với việc phát lộ vết tích con đường dẫn vào trung tâm di tích càng khẳng định nhiều bí ẩn về Mỹ Sơn vẫn còn nằm trong lòng đất và con đường hành lễ tại khu vực tháp K chỉ là một trong số đó.
Năm 2019 quá trình khảo cổ thăm dò vị trí khu vực Nhà đôi (cách vùng lõi di tích khoàng 300m) cũng đã phát hiện dấu vết công trình dân dụng của người Chăm xưa. Xa hơn vào năm 2006 các chuyên gia Viện Khảo cổ cũng phát hiện rất nhiều vật kiến trúc bằng đá khu vực rìa suối Khe Thẻ (phía Đông tháp D1, D2) càng minh chứng cho nhận định Mỹ Sơn còn nhiều bí ẩn.
Ông Nguyễn Công Khiết – Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, sau khi dự án kết thúc, đơn vị sẽ đề xuất các cấp ngành liên quan tiếp tục khai quật con đường đến khu vực E, F để làm sáng tỏ hơn vai trò chức năng của con đường, hướng tới bảo tồn, phát huy giá trị, phục vụ du khách tham quan.