Một trong những sinh vật sơ khai nhất của “đại dương quái vật” kỷ Cambri đã hiện ra nguyên vẹn đáng kinh ngạc trong một phiến đá ở tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.
Như đa số quái vật Cambri khác, sinh vật này được đặt tên là Kylinxia zhangi – mang các đặc điểm ngoài sức tưởng tượng, xa lạ so với thế giới động vật ngày nay.
Theo Sci-News, nó có kích thước tương đương một con tôm lớn, 3 mắt trên đầu và một đôi chân đáng sợ cũng mọc ngay trên đầu, trông như hai chiếc càng lớn dùng để bắt con mồi. Ngoài ra, 4 phần cơ thể phía sau của nó mỗi phần mang thêm một cặp chân có khớp.
Các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Vân Nam (Trung Quốc), Đại học Leicester và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) đã dùng phương pháp chụp cắt lớp vi mô để tái hiện lại con quái vật. Kết quả phân tích cũng cho thấy nó đã 518 triệu tuổi.
“Kylinxia zhangi chiếm một vị trí then chối trong quá trình tiến hóa động vật chân đốt” – nhà nghiên cứu Robert O’Flynn từ Đại học Leicester cho biết.
Điều này cũng khẳng định khu vực mà nó lộ diện – quần thể Trừng Giang thuộc tỉnh Vân Nam – là nơi có thể giúp xây dựng sự hiểu biết về sự tiến hóa động vật chân đốt thời kỳ đầu.
Tuy bị tấn công bởi các đợt đại tuyệt chủng sau đó nhưng quần thể sinh vật thuộc kỷ Cambri đã tạo một nền móng quan trọng trong thế giới sự sống của hành tinh. Chúng cũng là lớp sinh vật đại diện cho thời kỳ “bùng nổ sinh học” lớn nhất, khi sự sống tiến hóa nhảy vọt từ lớp sinh vật đơn giản sơ khai sang những loài phức tạp.