Mới đây, một bảo tàng tại Đức đã công bố những mẫu xương thuộc về loài voi Deinotherium thời tiền sử đã tuyệt chủng.
Voi Deinotherium là một chi của họ voi Deinotheriidae và từng phân bố ở lục địa Á Âu và châu Phi ngày nay. Đây là một sinh vật to lớn từng tồn tại vào 12.000 – 10 triệu năm trước, có họ hàng với loài voi ngày nay, và cũng có ngoại hình tương tự loài voi ngoại trừ cặp ngà ở hàm dưới mọc cong ngược về phía sau.
Theo ông Peter Kapustin, Giám đốc Bảo tàng tiền sử Urzeit tại Taufkirchen (Đức), những mẫu vật này đã được hai người con trai của ông tìm thấy trước đó một năm. Ban đầu, hai cậu bé chỉ tìm thấy một chiếc xương. Sau các cuộc khai quật quy mô lớn gần một ngôi làng nhỏ ở Bavaria thuộc quận Erding gần Munich, tổng cộng 120 mảnh xương đã được tìm thấy. Trong đó, họ tìm được xương của một cá thể trưởng thành và một cá thể đang trong độ tuổi phát triển.
Ông Peter Kapustin cho rằng đây là khung xương của các cá thể voi từng sống ở vùng ngoại ô thành phố Munich. Ông cho biết voi Deinotherium sống ở châu Âu và châu Phi vào giữa Thế Trung Tân cho đến đầu thế Canh Tân là những cá thể to lớn nhất với chiều cao của con trưởng thành có thể đạt tới 5m, nặng khoảng 8,8-12 tấn cùng với chiều dài thân mình là 7m. Đặc điểm thú vị nhất của loài này là hàm dưới của chúng phát triển dài và cong xuống, tạo ra 2 chiếc ngà cong ngược về phía sau khoảng 1m, trong khi ở các loài voi khác thì ngà đều mọc ở 2 bên hàm trên.
Chuyên gia phục chế, ông Nils Knoetschke cho biết, một số mảnh xương đã ở trong tình trạng bị gãy nặng khi được tìm thấy và ông đã phải dùng các biện pháp nghiệp vụ để phục hồi, khai quật bộ xương một cách nguyên vẹn.
Phát hiện độc đáo này hiện đang được trưng bày tại bảo tàng thời tiền sử Urzeit do ông Peter Kapustin điều hành. Thời gian tới, bảo tàng dự kiến sẽ hoàn thiện phục chế những mảnh xương còn lại và đưa ra triển lãm cho khách tham quan.