Khám phá lịch sử hình thành của thuế từ thời cổ đại

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của thuế từ nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại đến thời hiện đại.

Thuế ra đời lâu hơn chúng ta nghĩ. Vào thời cổ đại, nếu không có tiền, người dân sẽ phải đóng thuế bằng hiện vật.

Tháng 4 hàng năm, Mỹ bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu báo mùa xuân về như hoa nở, tiếng chim hót líu lo và cả thông báo đóng thuế.

Thuế xuất hiện từ hàng nghìn năm trước và được áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. (Ảnh: Bible History).
Thuế xuất hiện từ hàng nghìn năm trước và được áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. (Ảnh: Bible History).

Đối với nhiều người, đóng thuế là một nỗi sợ, và nỗi sợ này không phải mới xuất hiện gần đây, mà đã có niên đại hàng nghìn năm.

Trong nhiều thế kỷ, chính phủ ở nhiều nơi trên thế giới đánh thuế mọi thứ, thậm chí là đánh thuế nước tiểu và lông mặt. Nếu không thể đóng thuế bằng tiền, người dân có thể dùng bia, giường và chổi để thay thế. Tất cả số thuế thu được sẽ dùng để tài trợ cho các dự án và dịch vụ của chính phủ, từ việc xây kim tự tháp cho đến nuôi binh.

Đóng thuế 7 thùng bia

Theo National Geographic, thuế đã tồn tại từ trước khi tiền xu xuất hiện. Thuế được áp dụng cho mọi thứ và có thể được trả bằng mọi thứ chứ không nhất thiết phải trả bằng tiền.

Thuế ra đời từ thời kỳ Lưỡng Hà cổ đại. (Ảnh: Alamy Stock Photo).
Thuế ra đời từ thời kỳ Lưỡng Hà cổ đại. (Ảnh: Alamy Stock Photo).

Ở nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại, sự linh hoạt trong việc đóng thuế khiến điều này trở nên kỳ lạ.

Ví dụ, thuế chôn một người mới qua đời sẽ bao gồm 7 thùng bia, 420 ổ bánh mì, 2 bushel lúa mạch, một chiếc áo len, một con dê và một chiếc giường.

Nhà sử học Tonia Sharlach ở bang Oklahoma (Mỹ) cho biết vào khoảng năm 2000-1800 trước Công nguyên, kỷ lục đóng thuế là 18.880 cây chổi và 6 khúc gỗ.

Do bị bắt đóng thuế quá nặng, nhiều người thời cổ đại tìm cách lách luật. Ví dụ, một người đàn ông nói rằng ông ta không có tài sản gì ngoại trừ những chiếc cối xay cực nặng. Vì thế, người thu thuế buộc phải mang những chiếc cối này đi chứ không còn lựa chọn nào khác.

Chưa làm ra tiền đã phải đóng thuế

Còn tại Ai Cập cổ đại, đây là một trong những nền văn minh đầu tiên có hệ thống thuế theo tổ chức. Khoảng năm 3000 trước Công nguyên, ngay sau khi Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập được pharaoh Narmer thống nhất, hệ thống thuế này bắt đầu xuất hiện.

Các nhà nghiên cứu cho biết những người cai trị đầu tiên của Ai Cập rất quan tâm đến thuế. Họ đi khắp đất nước cùng đoàn tùy tùng để đánh giá tài sản của người dân – từ dầu, bia, gốm sứ cho đến gia súc, cây trồng – rồi đánh thuế tất cả.

Thời đó, sự kiện đánh thuế thường niên được gọi là Shemsu Hor, hoặc Following of Horus.

Trong thời Cổ Vương quốc Ai Cập, thuế thu nhiều đến mức đủ để xây dựng những công trình lớn, ví dụ như kim tự tháp ở Giza.

Hệ thống thuế của Ai Cập cổ đại phát triển trong suốt chiều dài lịch sử 3.000 năm và phức tạp hơn theo thời gian.

Vào thời Tân Vương quốc Ai Cập (khoảng năm 1539-1075 trước Công nguyên), những người cầm quyền tìm cách đánh thuế người dân dựa trên những gì họ làm ra, trước khi những sản phẩm đó được bán ra.

Để đánh thuế theo cách này, người cầm quyền sử dụng một phát minh gọi là nilometer. Thiết bị này được dùng để tính mực nước sông Nile trong trận lũ hàng năm.

Nếu mực nước thấp, thuế sẽ được tính ít vì đó là dấu hiệu của hạn hán và mùa màng thất thu. Ngược lại, nếu mực nước dâng cao, báo hiệu mùa màng bội thu, người dân sẽ phải đóng thuế nhiều hơn.

Được miễn thuế nếu có ý tưởng hay

Đế chế Mauryan của Ấn Độ vào khoảng năm 321-185 trước Công nguyên lại nghĩ ra cách ân xá thuế cho người dân. Việc này được áp dụng thông qua một cuộc thi hàng năm và người chiến thắng sẽ được miễn thuế.

Cụ thể, mỗi năm, chính phủ sẽ kêu gọi người dân đưa ra ý tưởng để giải quyết cho những vấn đề của đất nước.

“Nếu giải pháp của bạn được chọn và được áp dụng, bạn sẽ được miễn thuế trong suốt quãng đời còn lại”, nhà văn, nhà sử học người Hy Lạp Megasthenes bày tỏ sự ngạc nhiên về cách miễn thuế này của Ấn Độ.

La Mã cổ đại thu thuế nước tiểu vì amoniac có trong nước tiểu mang lại nhiều lợi ích. (Ảnh: Ancient Origins).
La Mã cổ đại thu thuế nước tiểu vì amoniac có trong nước tiểu mang lại nhiều lợi ích. (Ảnh: Ancient Origins).

Còn ở La Mã cổ đại, Hoàng đế Vespasian chính là người mang lại sự ổn định cho đến chế trong thời kỳ hỗn loạn, một phần là nhờ chính sách cải tiến thuế rất đặc biệt của ông – thu thuế bằng nước tiểu.

Amoniac là một mặt hàng có gia trị ở La Mã cổ đại vì nó có tác dụng làm sạch bụi bẩn và dầu mỡ dính trên quần áo. Ngoài ra, nước tiểu cũng dùng trong khâu làm vải da, làm phân bón và thậm chí là làm trắng răng.

Tất cả lượng amoniac đều có nguồn gốc từ nước tiểu của con người và phần lớn được thu thập từ các nhà vệ sinh công cộng ở Rome. Hiểu rõ nước tiểu mang lại nhiều lợi ích, La Mã mới tìm ra cách đánh thuế.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ cách đánh thuế nước tiểu của Hoàng đế Vespasian. Những người giàu có, bao gồm con trai của cựu Hoàng đế Vespasianus là Titus, phản đối thuế nước tiểu rất kịch liệt.

Theo nhà sử học Suetonius, Titus nói với cha mình rằng ông thấy việc đánh thuế nước tiểu thật phản cảm, và Vespasian nói rằng “Pecunia non olet”, nghĩa là “Tiền không có mùi”.

Nhiều loại thuế kỳ lạ

Vào thời hưng thịnh ở thế kỷ 15 và 16, đế chế Aztec trở nên giàu có nhờ việc đánh thuế. Nhà sử học Michael E. Smith đã nghiên cứu hệ thống thu thuế của đế chế này và nhận thấy hệ thống này phức tạp hơn nhiều nơi khác.

Cuốn Matrícula de Tributos ghi lại lịch sử đóng thuế của người dân. (Ảnh: ResearchGate).
Cuốn Matrícula de Tributos ghi lại lịch sử đóng thuế của người dân. (Ảnh: ResearchGate).

Thuế được nhiều cấp chính quyền khác nhau thu, hình thức thuế cũng khác nhau nhưng cuối cùng đều được chuyển đến cơ quan quản lý trung ương của Aztec.

Tại đây, họ lưu trữ những ghi chép tỉ mỉ về việc người dân nộp thuế và nhiều hồ sơ vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Nổi tiếng nhất là Matrícula de Tributos, bản ghi chép nhiều màu sắc để lưu lại thông tin đóng thuế của dân.

Cuốn này chứa đầy chữ tượng hình xanh đỏ, cho biết người dân đã nộp bao nhiêu bộ da báo, bao nhiêu ngô, cacao, và thậm chí là vàng, mật ong, muối, hàng dệt may…

Nga cũng có cách đánh thuế rất lạ. Vào năm 1698, Peter Đại đế yêu cầu nam giới trong nước phải cạo râu sạch sẽ để giống các quốc gia hiện đại ở Tây Âu – điều mà ông cho là “hiện đại hóa”.

Để người dân tuân thủ quy định cạo râu, ông quyết định đánh thuế những người thích để râu. Theo đó, đàn ông Nga muốn để râu phải trả một khoản thuế. Nông dân nộp thuế râu ít hơn còn quý tộc và thương gia có thể phải nộp đến 100 rúp (khoảng 1,07 USD ngày nay).

Những người đã nộp thuế cũng được yêu cầu mang theo thẻ để chứng minh họ đã nộp thuế. Tuy nhiên, quy định thu thuế râu không kéo dài quá lâu. Đến năm 1772, Catherine Đại đế chính thức bãi bỏ loại thuế kỳ lạ này.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657