Suốt nhiều thế kỷ, các chuyên gia không thể xác định hài cốt của Nicholas Copernicus cho đến khi tìm thấy những sợi tóc kẹp trong một cuốn sách.
Nicholas Copernicus là nhà thiên văn học nổi tiếng thời Phục Hưng. Cách đây 5 thế kỷ, ông đưa ra nhận định rằng Trái đất quay quanh Mặt trời chứ không phải ngược lại. Bên cạnh đó, ông còn là nhà toán học, kỹ sư, tác giả, nhà lý thuyết kinh tế và bác sĩ. Tuy nhiên, vị trí ngôi mộ của ông từng là một bí ẩn suốt nhiều thế kỷ.
Cuộc đời của Nicholas Copernicus
Nicholas Copernicus chào đời ở Torun, Ba Lan, năm 1473. Ông là con út trong gia đình có 4 người con của một thương gia địa phương. Sau khi cha Copernicus qua đời, một người chú đã lo việc học cho ông. Ông theo học tại Đại học Krakow năm 1491 – 1494, sau đó tại các trường đại học Italy ở Bologna, Padua và Ferrara.
Sau khi nghiên cứu y học, giáo luật, thiên văn toán học và chiêm tinh học, Copernicus trở về quê hương vào năm 1503. Sau đó, ông làm việc cho người chú Lucas Watzenrode the Younger, một giám mục. Copernicus vừa làm bác sĩ vừa tiếp tục nghiên cứu toán học. Thời điểm đó, cả thiên văn lẫn âm nhạc đều được coi là các nhánh của toán. Trong thời kỳ này, ông đã xây dựng hai lý thuyết kinh tế có sức ảnh hưởng lớn, gồm thuyết số lượng tiền tệ năm 1517 và định luật Gresham năm 1519.
Một trong những đóng góp nổi bật nhất của Copernicus cho khoa học là mô hình vũ trụ mang tính cách mạng. Trái với mô hình Ptolemaic thịnh hành thời đó, cho rằng Trái đất đứng yên và là trung tâm vũ trụ, Copernicus lập luận rằng Trái đất và các hành tinh khác quay quanh Mặt trời. Copernicus thậm chí còn so sánh kích thước của các quỹ đạo hành tinh bằng cách biểu thị chúng theo khoảng cách giữa Mặt trời và Trái đất.
Công cuộc tìm mộ kéo dài hàng thế kỷ
Sau khi qua đời tại Frombork, Ba Lan, năm 1543, Copernicus được chôn cất tại nhà thờ địa phương. Nhà thờ Frombork là nơi an nghỉ của hơn 100 người, đa số nằm trong những ngôi mộ không tên.
Đã có nhiều nỗ lực nhằm xác định vị trí hài cốt của Copernicus từ thế kỷ 16 và 17 nhưng không thành công. Một nỗ lực thất bại khác do hoàng đế Pháp Napoleon thực hiện sau Trận chiến Eylau năm 1807. Napoleon rất tôn trọng Copernicus với tư cách là một nhà bác học, nhà toán học và nhà thiên văn.
Năm 2005, một nhóm nhà khảo cổ Ba Lan bắt đầu tìm kiếm mộ Copernicus. Họ truy tìm theo nhận định của nhà sử học Jerzy Sikorski, người khẳng định Copernicus được chôn cất gần bệ thờ mà ông phụ trách khi làm giáo sĩ tại đây. Đó là bệ thờ Thánh Wacław, ngày nay gọi là bệ thờ Thánh Giá.
Các nhà khoa học phát hiện 13 bộ xương gần bệ thờ này, trong đó có bộ xương không hoàn chỉnh của một người đàn ông 60 – 70 tuổi. Bộ xương đặc biệt này được xác định là trùng khớp nhất với Copernicus. Hộp sọ của bộ xương sau đó được dùng làm cơ sở để phục dựng khuôn mặt.
Ngoài nghiên cứu về hình thái, phân tích ADN thường được sử dụng để nhận diện các hài cốt cổ xưa. Trong trường hợp bộ xương không hoàn chỉnh nói trên, các chuyên gia có thể xác định được gene vì răng vẫn trong tình trạng bảo quản tốt. Tuy nhiên, thách thức nằm ở việc tìm nguồn vật liệu tham chiếu phù hợp: Giới chuyên gia không có hài cốt của bất cứ người họ hàng nào của Copernicus.
Phát hiện kỳ lạ giúp nhận diện hài cốt
Năm 2006, một nguồn vật liệu tham chiếu ADN mới bất ngờ xuất hiện. Các chuyên gia phát hiện vài sợi tóc giữa những trang của một cuốn sách thiên văn mà Copernicus sử dụng suốt nhiều năm. Cuốn sách đang thuộc sở hữu của Bảo tàng Gustavianum tại Đại học Uppsala, Thụy Điển.
Những sợi tóc rất có thể thuộc về Copernicus, người sử dụng chính của cuốn sách. Do đó, chúng được đánh giá là vật liệu tham chiếu tiềm năng để so sánh gene với răng và xương trong mộ. Quá trình so sánh chỉ ra, cả ADN ty thể từ răng và mẫu xương đều khớp với ADN ty thể của tóc, cho thấy hài cốt nhiều khả năng thực sự thuộc về Nicholas Copernicus.
Nỗ lực đa ngành, bao gồm khai quật khảo cổ, nghiên cứu hình thái và phân tích ADN tiên tiến, đã mang đến một kết quả thuyết phục. Phát hiện đáng chú ý này không chỉ làm sáng tỏ nơi an nghỉ của một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất lịch sử khoa học mà còn cho thấy tác dụng to lớn các phương pháp khoa học hiện đại trong việc chứng thực dữ liệu lịch sử.