Charles F. Dowd và sự ra đời của múi giờ

Cuộc đời và sự đóng góp của Charles F. Dowd trong việc tạo ra hệ thống múi giờ hiện đại.

Cách đây hơn 140 năm, nhà giáo dục người Mỹ Charles F. Dowd đã tạo ra múi giờ. Ngày nay, múi giờ chi phối lịch trình làm việc, ngủ nghỉ của hầu hết mọi người trên toàn thế giới.

Charles Ferdinand Dowd (25/4/1825 – 12/11/1904) tại Madison, bang Connecticut (Mỹ). Theo Hiệp hội Lịch sử Madison, Dowd là một giáo viên chuyên nghiệp. Ông từng là sinh viên của đại học danh tiếng Yale và dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Ông Charles Ferdinand Dowd. (Ảnh: Foxnews).
Ông Charles Ferdinand Dowd. (Ảnh: Foxnews).

Ông và vợ là bà Harriet đã thành lập Chủng viện Temple Grove ở Saratoga Springs, New York vào năm 1868 và điều hành trường này trong hơn 30 năm.

Ý tưởng về múi giờ ban đầu của Dowd vào năm 1869 có liên quan lịch trình xe lửa trong thời kỳ mà thời gian được đo ở mỗi địa phương bằng Mặt trời. Đầu những năm 1800, Mặt trời đóng vai trò là “đồng hồ” chính thức ở Mỹ và thời gian được tính dựa trên buổi trưa ở mỗi thành phố hoặc thời điểm Mặt trời lên cao nhất.

“Phương pháp này dẫn đến việc tạo ra hơn 300 múi giờ trên khắp nước Mỹ. Chưa kể đến chênh lệch về giờ địa phương tùy thuộc vào vị trí”, hãng đường sắt Union Pacific chia sẻ. Sự phát triển nhanh chóng của đường sắt cho thấy lục địa Bắc Mỹ rất rộng lớn, đồng thời bộc lộ những hạn chế của giờ Mặt trời ngay cả giữa những khoảng cách ngắn.

Tàu hỏa của Union Pacific tại California năm 1964. (Ảnh: Getty Images).
Tàu hỏa của Union Pacific tại California năm 1964. (Ảnh: Getty Images).

Điều này dẫn đến hỗn loạn trong lập kế hoạch cho hệ thống đường sắt đang ngày càng mở rộng. Đáng chú ý nhất là việc hoàn thành tuyến đường sắt xuyên lục địa vào ngày 10/5/1869.

Sáng kiến của ông Dowd đã biến giờ Mặt trời tự nhiên thành giờ chuẩn do con người quy định. Tờ Indianapolis Sentinel khi đó nhận xét: “Mặt trời không còn quản lý công việc nữa”.

Kế hoạch của Dowd tập trung quanh bốn múi giờ, ở các kinh tuyến 75, 90, 105 và 120. Ông sử dụng kinh tuyến 75, chạy qua bang New York, làm cơ sở cho Giờ chuẩn miền Đông của mình. Sau đó, ông ấn định ba kinh tuyến xuyên quốc gia: Tiêu chuẩn Trung tâm (90); Tiêu chuẩn miền núi (105); Tiêu chuẩn Thái Bình Dương (120). Thời gian của mỗi vùng được đặt cách nhau một giờ.

Ông Dowd phát hành một cuốn sách nhỏ có tiêu đề “Hệ thống thời gian quốc gia cho đường sắt” vào năm 1870. Sau đó, ông tìm được một người ủng hộ có ảnh hưởng là kỹ sư đường sắt William F. Allen.

Thời điểm đã đến vào ngày 18/11/1883. Theo Hiệp hội Lịch sử, Allen đã có mặt tại tòa nhà Hệ thống Điện báo Western Union ở thành phố New York để chứng kiến việc thực hiện kế hoạch. Đồng hồ được khởi động lại và Giờ chuẩn miền Đông ra đời. Allen đã thuyết phục được các quan chức đường sắt chấp nhận múi giờ này.

Hệ thống thời gian mà ngành đường sắt đi tiên phong chưa trở thành luật liên bang cho đến khi Đạo luật Giờ chuẩn được thông qua tại Mỹ vào ngày 19/3/1918.

Nhà ga trung tâm tại Manhattan, New York mở cửa năm 1913, ba thập niên sau khi ngành đường sắt Mỹ áp dụng múi giờ. (Ảnh: Foxnews).
Nhà ga trung tâm tại Manhattan, New York mở cửa năm 1913, ba thập niên sau khi ngành đường sắt Mỹ áp dụng múi giờ. (Ảnh: Foxnews).

Sau dự án múi giờ, Dowd lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Thành phố New York vào năm 1888. Cùng năm đó, ông được phong làm thành viên của Hiệp hội Khoa học, Văn học và Nghệ thuật London. Tại cuộc họp lớp ở Yale, ông được gọi là “cha thời gian”, đồng thời được ghi nhận là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất của Yale vì phát minh có tác động quốc tế.

Dowd qua đời dưới bánh xe của một đầu máy xe lửa ở Saratoga Springs vào khoảng 5:30 chiều 12/11/1904. Khi đó, ông hưởng thọ 79 tuổi.

Hơn chục quốc gia đã đồng ý áp dụng múi giờ thống nhất, được xây dựng dựa trên mô hình của Dowd ngay từ năm 1884.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657