Người Trung Hoa thời phong kiến quan niệm rằng thiên hạ đều là của hoàng đế, mọi người đều phải phục tùng ngài. Hậu cung của hoàng đế có rất nhiều phi tần, mỹ nữ.
Theo Sina, một vị Hoàng đế trung bình có từ 70 đến hàng trăm thê thiếp. Mặc dù đông như vậy, một số ít người được sủng ái, số còn lại, người thì bị lãng quên, kẻ thì cả đời không được nhìn thấy mặt vua hoặc phạm phải tội nào đó mà bị đày vào lãnh cung. Vì thế, một số phi tần đã liên kết với các thái giám thân cận với nhà vua. Vì sao những phi tần này lại làm như vậy?
Phi tần “thân mật” với thái giám để làm gì?
Có 3 nguyên nhân để các phi tần sẵn sàng “cấu kết” với các thái giám.
Thứ nhất, trong các bộ phim về hoàng cung Trung Quốc xưa, chúng ta thường thấy trong cung của hoàng đế tuy rất nhiều phi tần nhưng chỉ những ai nhận được sủng hạnh, nếu sinh được con cho hoàng thượng thì họ mới có cơ hội được hoàng đế để mắt. Và họ cũng nhờ con mà tiến lên địa vị cao hơn.
Thứ hai, các phi tần thường hối lộ cho thái giám tiền bạc, châu báu giúp những viên hoạn quan này có cơ hội phát tài. Đổi lại, các thái giám sẽ cung cấp thông tin của nhà vua cho họ như sở thích, nơi ngài đến và thường làm gì… Nhờ vậy, các phi tần có thể lợi dụng thông tin này lấy lòng và nhận được sự sủng ái của hoàng đế. Khi phi tần đó lên được địa vị cao thường sẽ ban cho thái giám nhiều bổng lộc mà họ được hưởng.
Thứ ba, các phi tần “cấu kết” với thái giám để tăng thêm quyền lực trong cung. Từ những thái giám thân cận với vua, họ có thể biết được ngài đang sủng ái mỹ nhân nào. Đôi khi, Hoàng hậu và các phi tần chia phe phái, cấu kết với các thái giám, hãm hại lẫn nhau và khiến người kia thất sủng.
Trên thực tế, trong lịch sử Trung Quốc từng có nhiều âm mưu hãm hại nhau trong hoàng cung được chép vào sử sách. Có thể kể tới Chiêu Tín thời nhà Hán. Bấy giờ vua Lưu Khứ rất cưng chiều một thê thiếp xinh đẹp là Vọng Ngưỡng. Chiêu Tín sinh lòng đố kị, vu khống cho Vọng Ngưỡng là có mưu đồ hãm hại nhà vua. Vua tin lời, sai người tra tấn Vọng Ngưỡng, nàng bỏ chạy được và gieo mình xuống giếng tự vẫn.
Sau đó, vào thời nhà Minh, Vạn Quý phi của vua Minh Hiến Tông do không còn khả năng mang thai nên quyết không để ai khác sinh con cho vua. Một cung phi họ Kỳ đã mang long thai và sinh hạ một bé trai, nhưng vì lo sợ hai mẹ con bị hãm hại, một viên thái giám đã mang giấu đứa bé ở một nơi an toàn. Một thời gian sau, khi vua biết chuyện, liền vui mừng cho đón hai mẹ con vào cung. Vạn Quý phi nổi giận, lập tức sát hại Kỳ Thị. Viên thái giám kia cũng quá hoảng sợ mà nuốt vàng tự vẫn.