Cuộc chiến xương và sự ám ảnh của hai nhà cổ sinh vật học nổi tiếng

Khai quật hơn 100 loài khủng long, Othniel Marsh và Edward Cope đã tạo nên cuộc chiến xương kịch tính trong ngành cổ sinh vật học.

Cả Othniel Marsh và Edward Cope đều phát hiện vô số hóa thạch khủng long vào thế kỷ 19 nhưng ám ảnh với mục tiêu hạ bệ nhau trong Cuộc chiến xương.

Othniel Charles Marsh và Edward Drinker Cope là hai trong số những thợ săn xương nổi tiếng nhất thế kỷ 19, theo National Geographic. Họ đã phát hiện hơn 100 con khủng long, bao gồm các loài thằn lằn mái (Stegosaurus), khủng long ba sừng (Triceratops), thằn lằn xẻng (Lystrosaurus) ở thời kỳ đầu của ngành cổ sinh vật học. Cuộc chiến xương giữa họ đem lại nhiều phát hiện khoa học giúp định hình ngành cổ sinh vật học. Dù cả hai đều nổi tiếng và thành công, họ cực kỳ căm ghét nhau. Sự thù hận của họ thổi bùng cuộc chiến toàn lực và họ sử dụng mọi chiến thuật để ngấm ngầm đánh bại nhau, bao gồm hối lộ, lừa lọc và phỉ báng.

Othniel Charles Marsh (trái) và Edward Drinker Cope (phải). (Ảnh: Wikimedia).
Othniel Charles Marsh (trái) và Edward Drinker Cope (phải). (Ảnh: Wikimedia).

Trước khi trở thành kẻ thù không đội trời chung, Marsh và Cope từng là những người bạn. Othniel Marsh sinh ở New York năm 1831 trong một gia đình cơ bản. Tuy nhiên, chú ông George Peabody là một thương nhân giàu có đã tài trợ tiền học cho cháu trai. Nhà khoa học trẻ xuất sắc tốt nghiệp Đại học Yale. Ngược lại, Edward Cope sinh năm 1840 trong điều kiện đầy đủ vật chất. Gia đình Cope rất giàu có và có chỗ đứng ở Philadelphia. Vấn đề duy nhất ông phải đối mặt là thoát khỏi hướng đi mà gia đình đã định sẵn cho ông. Cha Cope muốn ông trở thành một chủ đất lịch thiệp nhưng ông lại muốn trở thành một nhà khoa học.

Năm 1863, cha Cope đưa ông tới châu Âu. Tại Berlin, ông kết bạn với một ngôi sao mới nổi trong lĩnh vực khoa học tự nhiên là Othniel Marsh. Là những học giả trẻ tuổi người Mỹ ở nước ngoài, họ trở nên gắn bó khi chia sẻ chung niềm hứng thú với cổ sinh vật học, ngành học thuật tương đối non trẻ tập trung vào nghiên cứu hóa thạch cổ đại. Sau khi trở về Mỹ, hai người trao đổi thư từ và thậm chí đặt tên cho các loài mới phát hiện theo tên nhau. Cope gọi một loài là Ptyonius marshii trong khi Marsh đặt tên loài ông tìm thấy là Mosasaurus copeanus.

Tuy nhiên, có một vấn đề mấu chốt. Ngành cổ sinh vật học vẫn còn non trẻ và sự mới mẻ của nó châm ngòi cho quan hệ cạnh tranh giữa Marsh và Cope khi họ tìm cách trở thành nhà nghiên cứu đầu ngành. Cuộc đua khẳng định bản thân trong ngành khiến họ trở nên xa cách. Một số học giả cho rằng mối thù của họ bắt đầu vào năm 1868 khi Marsh tới thăm Cope trong một chuyến thám hiểm tìm hóa thạch ở mỏ đá tại New Jersey. Marsh lén thỏa thuận với chủ mỏ đá để vận chuyển hóa thạch mới cho ông thay vì Cope.

Nhà viết tiểu sử của Cope là Jane Davidson cho rằng mối thù phát sinh cùng năm khi Cope công bố mô tả về loài mới phát hiện Elasmosaurus platyurus. Trong lúc phục dựng loài vật, Cope mắc lỗi nghiêm trọng khi đặt ngược phần đuôi và cổ của con vật. Marsh gọi cho Cope và chỉ trích lỗi sai của đồng nghiệp. Bị chế nhạo, Cope vội vàng mua lại những bản in của tạp chí công bố phát hiện nhưng đã quá muộn.

Miền tây nước Mỹ là mảnh đất màu mỡ để khám phá hóa thạch tiền sử, nhưng không đủ lớn cho hai người đàn ông. Họ sốt sắng tìm kiếm hóa thạch và tạo ra phát hiện vĩ đại hơn đối thủ. Năm 1871, Cope tới một địa điểm ở Kansas mà nhóm của Marsh trước đó bỏ qua. Ông tìm được bộ xương của một loài thằn lằn bay cổ đại lớn hơn con mà Marsh phát hiện. Cope rất vui mừng còn Marsh thì phẫn nộ.

Khi cuộc chiến trở nên gay gắt, Marsh và Cope tìm những biện pháp khác để hạ bệ nhau, bao gồm cáo buộc đạo văn, dò xét thông tin và xuất bản nhiều hơn. Cope thậm chí mua tạp chí American Naturalist, dùng làm diễn đàn chỉ trích Marsh và nghiên cứu của ông. Quan hệ thù địch leo thang khi cả hai đưa cộng sự tới địa điểm đào xới ở Como Bluff, Wyoming, từ năm 1877 đến năm 1879. Marsh thậm chí chỉ đạo cộng sự phá hủy bất kỳ chiếc xương nào ở khu vực trước khi rời đi để Cope không thể lấy được.

Cuộc chiến khoa học giữa hai chuyên gia ngành cổ sinh vật học kéo dài một thập kỷ. Tuy nhiên, mối thù giữa Marsh và Cope đã góp phần tăng cường hiểu biết của con người về thế giới, thúc đẩy những công trình nghiên cứu của họ. Cope là tác giả của 1.400 bài báo khoa học. Nỗ lực của ông và Marsh giúp xác định hơn 130 loài đã tuyệt chủng. Nhưng cuộc chiến cũng khiến họ phải trả giá đắt. Năm 1892, cấp trên của Marsh ở Cục khảo sát đị chất Mỹ yêu cầu ông từ chức. Cope cuối cùng phải bán bộ sưu tập hóa thạch của ông vài năm trước khi qua đời năm 1897. Cuộc chiến xương đã hủy hoại cả hai người đàn ông.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657