Thời phong kiến Trung Quốc có một hình phạt được xem là “quá dịu dàng đối với người mang tội”, cũng không tạo thành tổn thương vật lý trên cơ thể.
“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Mỗi luật lệ, nguyên tắc được đưa ra để hạn chế hành vi của con người. Đương nhiên, người vi phạm ắt phải chịu sự trừng phạt thích đáng. Để răn đe người phạm tội, mỗi triều đại đều có hệ thống hình phạt riêng. Cũng giống như giai đoạn phong kiến ở Trung Quốc.
Những ai xem phim ảnh cổ trang hoặc tìm hiểu về lịch sử Trung Quốc đều biết, các vương triều phong kiến của đất nước này có hệ thống hình phạt vô cùng phong phú và đáng sợ. Ví dụ như trảm đầu, ngũ mã phanh thây, lăng trì, treo cổ… Khỏi cần phải nói, người chịu những loại hình phạt này khổ sở hết biết, thân thể không còn được vẹn nguyên, “chết cũng không nhắm mắt”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số hình phạt nhẹ nhàng hơn, trong đó một hình phạt thậm chí còn được xem là “quá dịu dàng đối với người mang tội”, cũng không tạo thành tổn thương vật lý trên cơ thể.
Song hình phạt này chỉ đặc biệt dành cho phụ nữ. Không phải vì người Trung Quốc xưa “thương hoa tiếc ngọc” hay “thấy là con gái yếu đuối nên nể tình”, mà là vì tính chất của loại vi phạm mà người phụ nữ đó mắc phải. Nói là “dịu dàng” và không gây tổn thương thân thể, nhưng loại hình phạt này lại khiến phụ nữ “nước mắt chảy thành sông”, tự động tìm đường để kết liễu đời mình.
Đó chính là: Cạo đầu.
Nam giới bị hình phạt này xem như “tai qua nạn khỏi”, còn nữ giới thì “sống không bằng chết”. Do tính chất không mang lại quá nhiều sự răn đe cho người đàn ông, nên hình phạt này về sau chỉ áp dụng cho phụ nữ.
Vì người xưa rất xem trọng “cái răng, cái tóc là gốc con người”, đặc biệt Trung Quốc thời bấy giờ còn có quan niệm: “Thân thể này là của cha mẹ”. Do đó việc cắt tóc cạo đầu là chuyện hệ trọng. Đó cũng là lý do người Trung Hoa phong kiến thường để tóc dài, bất kể nam nữ.
Trong suốt chiều dài lịch sử ở Trung Quốc, chỉ có giai đoạn cuối thời kỳ nhà Thanh thì người đàn ông mới được phép cạo nửa đầu và thắt bím dài.
Thời Càn Long nhà Thanh từng có một sự kiện rất nổi tiếng. Đó là Kế hoàng hậu Na Lạp thị cắt tóc.
Theo ghi chép lịch sử, Kế hoàng hậu đã bị Càn Long thất sủng sau chuyến du tuần đến Giang Nam. Đến năm 1778 (lúc này Kế hoàng hậu đã mất 12 năm), Càn Long nhớ lại và giải thích rằng, trong đêm hôm ấy Ô Lạp Na Lạp thị đã tự xuống tóc, phạm vào đại kỵ.
Người Mãn Châu xem mái tóc như một bộ phận thiêng liêng của cơ thể. Việc cắt tóc chỉ được cho phép trong đại tang Hoàng đế hoặc Hoàng thái hậu, để tỏ lòng thương tiếc người đã khuất. Vì vậy, hành động này của Kế hoàng hậu được coi là đại bất kính khi hoàng đế lẫn thái hậu đều vẫn còn sống.
Mặt khác, nuôi tóc dài là một đặc quyền mà phụ nữ Mãn Châu sau khi kết hôn. Họ tạm biệt nét tinh nghịch thời son trẻ để trở nên trang nghiêm, trau chuốt cho bản thân nhiều hơn, cũng là “giữ thể diện” cho phu quân. Vậy khi Kế hoàng hậu buông lời trách móc hoàng thượng rồi tự cắt tóc mình cũng là để cắt đứt ân tình với phu quân Hoằng Lịch.
Bởi vì chuyện Kế hoàng hậu cắt tóc nên sau đó Càn Long đối xử vô cùng tàn nhẫn với bà. Khi nghe được tin bà qua đời, Càn Long vẫn tiếp tục săn bắn vui chơi. Hơn nữa tang lễ của Kế hoàng hậu còn cực kỳ đơn giản, ngay cả quan tài đựng hài cốt cũng bị tùy tiện đưa vào ngôi mộ của cung phi.
Qua đó mới thấy, ngay cả đàn ông, được hưởng những đặc quyền trong tư tưởng trọng nam khinh nữ, còn không dám đi ngược lại phong tục, luật lệ này, chứ đừng nói đến phụ nữ thân phận thấp bé thời bấy giờ.
Đối với phụ nữ thời phong kiến, đầu không có tóc như “ra đường không mặc quần áo”, là chuyện nhục nhã, bôi tro trét trấu vào gia đình, khiến cha mẹ không thể ra đường, bị người đời xỉa xói.
Phụ nữ bị áp dụng hình phạt cạo đầu này đa phần thường là người “hồng hạnh xuất tường”, chính là ngoại tình, dan díu với đàn ông khác. Thời bấy giờ, đàn ông có thể năm thê bảy thiếp, nhưng phụ nữ phải một dạ theo chồng. Thậm chí còn có nhiều tập tục như chồng chết thì vợ phải chết theo hoặc ở giá đeo tang suốt đời. Do đó, phụ nữ có hành vi gian dâm, ngoại tình luôn bị người đời ghét bỏ, gia đình xa lánh, đi đến đâu cũng không thể ngóc đầu dậy mà sống.
Trước đó, phụ nữ mang tội này thường bị bêu xấu ở cổng làng trong tình trạng bị trói hoặc nhốt trong cũi, sau đó người dân vây xem sẽ ném đá vào cho đến khi người này gục ngã mới thôi. Kết quả, hầu hết nữ phạm nhân đều chết vì quá đau đớn.
Về sau, luật lệ thay đổi và hình phạt cạo đầu được áp dụng. Chỉ cần ra đường nhìn thấy người phụ nữ nào xuất hiện với đầu trọc thì đa phần đều mang tội “không giữ trọn phẩm hạnh”. Song đã bị cạo đầu mà còn dám ra ngoài đường hay không, lại là chuyện khác!