John Lethbridge và phát minh bộ đồ lặn mang tính cách mạng

Phát minh bộ đồ lặn đầu tiên của John Lethbridge đã mở ra kỷ nguyên mới cho hoạt động lặn dưới nước.

Từ một thương gia không thành công, John Lethbridge trở thành người giàu có với phát minh bộ đồ lặn giúp lặn sâu khoảng 20m.

Bảo tàng Cité de la Mer ở Cherbourg, Pháp, treo một vật dụng kỳ lạ trông giống một loại thiết bị tra tấn thời Trung Cổ, nhưng thực chất là bản sao của bộ đồ lặn đóng kín đầu tiên trên thế giới. Nhà phát minh bộ đồ, John Lethbridge (1675 – 1759), là một thương gia bán len ở thị trấn Newton Abbot, Devon, Anh. Không có nhiều thông tin về thời thơ ấu của ông cũng như điều gì đã truyền cảm hứng cho ông tạo ra bộ đồ lặn. Theo BBC, ông có tới 17 người con, do đó phải nỗ lực kiếm tiền.

Bản sao bộ đồ lặn của John Lethbridge trong bảo tàng Cité de la Mer, Cherbourg, Pháp. (Ảnh: Ji-Elle)
Bản sao bộ đồ lặn của John Lethbridge trong bảo tàng Cité de la Mer, Cherbourg, Pháp. (Ảnh: Ji-Elle)

Trước khi phát minh của Lethbridge ra đời, việc lặn được thực hiện với sự trợ giúp của “chuông lặn” – thiết bị giống một chiếc cốc úp ngược hoặc chuông không có quả lắc, được hạ xuống nước để người bên trong hít thở không khí mắc kẹt trong chuông. Thợ lặn có thể chui ra từ phần đáy để mở, làm nhiệm vụ, sau đó lại chui vào chuông.

Năm 1715, John Lethbridge trở thành người đầu tiên thiết kế bộ đồ lặn kín sử dụng được và gọi là “máy lặn”. Bộ đồ trông giống chiếc thùng gỗ dài khoảng 1,8 m, thợ lặn nằm sấp bên trong. Thiết bị có một cửa sổ tròn để quan sát và hai lỗ để thò cánh tay ra ngoài. Hai ống bằng da tẩm dầu bọc quanh bắp tay tạo thành lớp bịt kín gần như không thấm nước.

Bộ đồ lặn không có nguồn cung cấp không khí nào ngoài lượng không khí mắc kẹt bên trong trước khi đóng kín. Dù nghe có vẻ không nhiều, lượng không khí này vẫn đủ để Lethbridge lặn dưới nước khoảng 30 phút mỗi lần. Bộ đồ có hai van khí ở phía trên. Không khí trong lành có thể được bơm vào bên trong bằng các ống nối với van khi thợ lặn nổi lên. Bộ đồ lặn được nâng lên hạ xuống bằng dây cáp, nhưng Lethbridge cũng cung cấp các quả cân để thợ lặn có thể vứt bỏ và nổi lên mặt nước mà không cần trợ giúp.

Lethbridge hy vọng thiết bị của mình có thể xuống tới độ sâu lớn. Nhưng khi thử nghiệm, ông phát hiện rằng áp lực nước khi xuống sâu quá 15m gây rò rỉ quanh ống tay, cửa sổ và lối ra vào. Ông nhận thấy vẫn có thể dễ dàng lặn sâu xuống 18m. Độ sâu tối đa là 22m, nhưng quá trình lặn xuống sẽ gặp khó khăn.

Bất chấp những hạn chế, bộ đồ được Lethbridge sử dụng hiệu quả ở vùng biển Anh và một số nơi khác thuộc Đại Tây Dương để trục vớt những hàng hóa giá trị từ các vụ đắm tàu. Nhiều công ty vận tải biển tại London nhanh chóng chú ý đến Lethbridge và thuê ông làm công việc trục vớt.

Năm 1794, trên đường từ Hà Lan đến Java, tàu Slotter Hooge của Công ty Đông Ấn Hà Lan, bị đắm do gió mạnh gần Porto Santo, đảo Madeira. Trong số 254 người trên tàu, chỉ 33 người sống sót. Con tàu chìm ở độ sâu khoảng 18 m, mang theo 3 tấn thỏi bạc và 3 rương tiền xu lớn. Lethbridge được thuê với mức lương 10 bảng Anh một tháng, cộng thêm các chi phí và tiền thưởng. Trong nỗ lực đầu tiên, Lethbridge đã trục vớt 349 thỏi bạc, hơn 9.000 đồng xu và hai khẩu súng. Suốt mùa hè năm đó, ông thực hiện nhiều chuyến lặn xuống xác tàu và tìm lại được gần một nửa kho báu.

Khoảng 30 năm tiếp theo, Lethbridge làm việc với nhiều xác tàu và kiếm được khoản tiền lớn. Từ một thương gia bán len không thành công và phải vật lộn để nuôi gia đình, Lethbridge trở thành một người giàu có, sở hữu khu đất Odicknoll ở Kingskerswell.

Bộ đồ lặn ban đầu của Lethbridge không còn tồn tại, nhưng những bản vẽ vẫn còn được lưu giữ. Dựa vào đó, các chuyên gia đã chế tạo một số bản sao và trưng bày tại nhiều bảo tàng hàng hải trên khắp thế giới, trong đó có một bản ở quê hương ông, Newton Abbot.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657