Khám phá đường mỏ đá cổ của Ai Cập và bí mật vận chuyển đá bazan

Đường mỏ đá cổ xưa nhất thế giới ở Ai Cập và quá trình vận chuyển đá bazan qua hồ Moeris.

Xây dựng cách đây khoảng 4.600 năm, đường mỏ đá – hồ Moeris là con đường lát đá cổ xưa nhất thế giới, giúp vận chuyển đá núi lửa.

Năm 1994, trong lúc lập bản đồ những mỏ đá của Ai Cập cổ đại, các nhà địa chất phát hiện một con đường dài 12km lát đá vôi và sa thạch, dẫn từ một mỏ đá bazan đến hồ Moeris. Tại đây, họ tìm thấy một số đồ gốm, nhiều khả năng do công nhân mỏ đá để lại, và một khu trại cổ xưa dành cho công nhân. Dựa vào đó, nhóm nghiên cứu xác định rằng con đường tồn tại từ khoảng năm 2600 – 2200 trước Công nguyên, trở thành con đường lát đá lâu đời nhất thế giới, vượt qua kỷ lục cũ tới 500 năm.

Đường mỏ đá - hồ Moeris ở Ai Cập. (Ảnh: IFL Science).
Đường mỏ đá – hồ Moeris ở Ai Cập. (Ảnh: IFL Science).

Con đường được sử dụng để vận chuyển đá bazan núi lửa từ mỏ đến hồ Moeris, hồ nước cổ xưa kết nối với sông Nile theo mùa, cho phép công nhân vận chuyển đá tới Giza bằng thuyền. Người Ai Cập cổ đại dùng loại đá này để lát bên trong những ngôi đền tang lễ và chế tạo quan tài hoàng gia.

Công việc vận chuyển đá bazan dẫn đến nhu cầu xây dựng một con đường bằng đá vôi và sa thạch. Các nhà Ai Cập học cho rằng người xưa vận chuyển những tảng đá này trên xe trượt và chiếc xe được đặt trên những khúc gỗ trải dọc theo con đường, vì mặt đá lát không có rãnh hay vết mòn do tiếp xúc với xe trượt.

Không chỉ là đường lát đá lâu đời nhất thế giới, đây còn là con đường duy nhất thuộc dạng này mà người Ai Cập cổ đại xây dựng. Đây không phải là con đường được xây dựng tốt nhất, vì nhiều khả năng công nhân chỉ sử dụng bất cứ phiến đá nào thuận tiện để trải đường. Ở một số phần đường, họ cố gắng khiến những phiến đá khớp với nhau một cách gọn gàng, nhưng ở những đoạn khác, chúng được sắp xếp bừa bãi hơn.

“Con đường có thể không ngang hàng với các kim tự tháp xét về mặt kỳ quan xây dựng, nhưng vẫn là một thành tựu kỹ thuật lớn. Con đường này không chỉ cổ xưa hơn chúng tôi từng nghĩ mà thậm chí chúng tôi còn không biết họ (người Ai Cập cổ đại) đã xây đường”, nhà địa chất James Harrell tại Đại học Toledo cho biết vào thời điểm phát hiện công trình cổ.

Thế giới có những con đường lâu đời hơn, nhưng trong số đó không có đường nào lát đá. Sweet Track, một con đường bằng gỗ ở Somerset, Anh, thậm chí tồn tại từ năm 3806 trước Công nguyên, trong thời Đồ Đá Mới. Các nhà khoa học xác định niên đại của công trình bằng phương pháp niên đại học thụ mộc, hay tính niên đại qua các vòng tuổi của cây.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657