Phế tích thành phố 2.300 tuổi Dura-Europos nổi tiếng ở Syria có thể sở hữu một “người anh em song sinh” hoàn hảo ở bên kia biên giới với Iraq.
Di tích thành phố cổ Dura-Europos ở Syria đóng vai trò là cửa sổ nhìn vào thế giới của các thời kỳ Hy Lạp, Parthia và La Mã cổ đại.
Những năm gần đây, việc tiếp cận Dura-Europos trở nên khó khăn do xung đột kéo dài. Thế nhưng, một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Near Eastern Studies chỉ ra “lối đi” bất ngờ.
Cách đó không xa, có một phế tích khác trông như ảo ảnh sa mạc từ Dura-Europos.
Theo SciTech Daily, đó là một cụm cấu trúc ít nổi bật hơn nhiều so với Dura-Europos. Phần còn lại của nó chỉ gồm một gò đất lớn, một mạch tường đa giác bên trong và một bức tường phòng thủ lớn bên ngoài.
Địa điểm nằm gần như đối xứng với Dura-Europos ở phía bên kia biên giới Syria – Iraq, thuộc huyện Al-Qaim của tỉnh Anbar – Iraq.
“Thành phố phản chiếu” đó tên Anqa.
Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ Simon James đến từ Đại học Leicester (Anh), Anqa nằm ở điểm mà vùng đồng bằng ngập lũ Euphrates bị thu hẹp đáng kể. Vì vậy, thành phố này sẽ kiểm soát tuyến đường giữa khu vực đông dân của thung lũng ở thượng nguồn và tuyến đường thương mại ở hạ lưu nối Syria, Bắc Lưỡng Hà và Babylonia, trở thành địa điểm có ý nghĩa kinh tế và chiến lược to lớn thời cổ đại.
Thành phố cổ này đã bị các nhà khảo cổ bỏ qua hoàn toàn cho đến năm 1850, khi một đoàn thám hiểm của Anh tìm đến.
Một nghiên cứu kỹ lưỡng hơn từng được thực hiện vào cuối những năm 1930, bao gồm các bức ảnh chụp từ trên không về các công trình kiến trúc còn đứng vững.
Thế nhưng, do các yếu tố địa chính trị, bao gồm lịch sử can thiệp của các nước đế quốc vào khu vực đầu thế kỷ XX, Anqa đã tiếp tục bị lãng quên.
Theo nghiên cứu mới, Anqa thực ra có cùng kích thước, thành phần và có khả năng có giá trị khảo cổ tương đương phế tích nổi tiếng bên kia biên giới.
Dù những gì thấy được trên bề mặt không nhiều như “người anh em song sinh” nhưng nếu được đầu tư khai quật, “thành phố phản chiếu” Anqa có tiềm năng trở thành một “Pompeii vùng Trung Đông” khác, như cách người ta ví von Dura-Europos.