Những khám phá về vai trò của phụ nữ thời tiền sử trong săn bắt

Phát hiện mới của Cara Ocobock phá bỏ giả định lịch sử về vai trò của phụ nữ trong hoạt động săn bắt thời tiền sử.

Theo một số nghiên cứu mới, phụ nữ thời tiền sử không những thường xuyên tham gia săn bắt mà họ còn có sinh lý thuận lợi hơn cho hoạt động này so với nam giới.

Khi còn nhỏ, Cara Ocobock thường thắc mắc về hình ảnh người tiền sử được khắc họa trên TV, sách, truyện tranh và phim hoạt hình: “đàn ông săn bắt” với ngọn giáo trong tay, “phụ nữ hái lượm” với một đứa bé địu ở sau lưng và chiếc giỏ đựng hạt giống trên tay.

“Đó là hình ảnh mọi người thường thấy, một giả định mà tất cả chúng ta đều có trong đầu, và được đưa vào trong các bảo tàng về lịch sử tự nhiên” – Ocobock chia sẻ.

Nhiều năm sau, Ocobock trở thành Phó giáo sư tại Khoa Nhân chủng học, Đại học Notre Dame. Khi nghiên cứu về sinh lý học con người và các bằng chứng thời tiền sử, cô khám phá ra rằng nhiều giả định về đàn ông và phụ nữ thời tiền sử không hoàn toàn chính xác. Đến nay, quan điểm tiến hóa cho rằng nam giới vượt trội hơn nữ giới về mặt sinh học cơ bản được chấp nhận, tuy nhiên, diễn giải này không nói lên toàn bộ câu chuyện.

Cùng với cộng sự là Sarah Lacy – nhà nhân chủng học tại Đại học Delaware, Ocobock đã công bố đồng thời hai nghiên cứu trên tạp chí American Anthropologist phát hành tháng 11/2023. Nói về các nghiên cứu của mình và cộng sự, Ocobock cho biết: “Thay vì xem đây như một cách để xóa hoặc viết lại lịch sử, các nghiên cứu của chúng tôi chỉ cố gắng chỉnh sửa lại phần lịch sử mà đã xóa bỏ vai trò của phụ nữ ra khỏi đó”.

Những minh họa quen thuộc về thời tiền sử: đàn ông săn bắt và làm các công việc nhiều nguy hiểm, trong khi phụ nữ đảm đương những việc nhẹ nhàng hơn. (Ảnh: Internet).
Những minh họa quen thuộc về thời tiền sử: đàn ông săn bắt và làm các công việc nhiều nguy hiểm, trong khi phụ nữ đảm đương những việc nhẹ nhàng hơn. (Ảnh: Internet).

Hormone – “người hùng thầm lặng”

Trong nghiên cứu theo hướng sinh lý học, hai nhà nghiên cứu giải thích rằng phụ nữ thời tiền sử hoàn toàn có khả năng thực hiện công việc thể chất khó khăn là đi săn con mồi, cũng như có khả năng săn thành công trong những khoảng thời gian dài. Từ góc độ trao đổi chất, Ocobock cho biết, cơ thể phụ nữ phù hợp với các hoạt động đòi hỏi sức bền hơn, “yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc đi săn thời tiền sử, bởi họ sẽ phải làm cho con mồi dần dần kiệt sức trước khi thực sự bắt đầu việc giết chóc”.

Hai yếu tố góp phần to lớn vào việc tăng cường quá trình trao đổi chất là hormone estrogen và adiponectin, thường có nhiều hơn trong cơ thể nữ giới. Hai hormone này giữ vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể nữ giới điều chỉnh lượng glucose và chất béo – đối với các hoạt động thể thao, chức năng này là cần thiết nhất.

Đặc biệt, estrogen giúp điều chỉnh quá trình chuyển hóa chất béo bằng cách khuyến khích cơ thể sử dụng chất béo dự trữ làm năng lượng trước khi cơ thể tiêu hao hết lượng carbohydrate dự trữ. Ocobock giải thích: “Bởi chất béo chứa nhiều calo hơn carb nên nó đốt cháy lâu hơn và chậm hơn, tức là một loại năng lượng dự trữ có thể giúp ta hoạt động lâu hơn và trì hoãn sự mệt mỏi”.

Estrogen cũng bảo vệ các tế bào trong cơ thể không bị tổn hại bởi nhiệt độ cao khi ta thực hiện hoạt động thể chất. “Đối với tôi, estrogen thực sự là một người hùng thầm lặng của cuộc đời” – Ocobock nói – “Nó rất quan trọng với sức khỏe tim mạch, trao đổi chất, phát triển trí não và phục hồi chấn thương”.

Hormone adiponectin cũng tăng cường quá trình chuyển hóa chất béo, cùng lúc hạn chế chuyển hóa carbohydrate và/hoặc protein, cho phép cơ thể duy trì hoạt động trong thời gian dài hơn, đặc biệt là trên những quãng đường dài. Bằng cách này, adiponectin có thể bảo vệ các cơ bắp không bị suy yếu mà có thể hoạt động bền bỉ.

Theo Ocobock và Lacy, bản thân cấu tạo cơ thể phụ nữ thời tiền sử cũng có sẵn lợi thế về sức bền và sự hiệu quả để làm công việc đi săn. “Nữ giới thường có cấu trúc hông rộng hơn, họ có thể xoay hông, kéo dài bước đi của mình. Bước đi càng dài, quá trình trao đổi chất diễn ra càng ít hơn, và bạn càng có thể đi được xa hơn, nhanh hơn” – Ocobock giải thích.

“Nếu nhìn vào sinh lý học của con người theo cách này, ta có thể coi nữ giới như những vận động viên chạy marathon, còn nam giới là vận động viên cử tạ”.

Một bức tranh khảm mô tả nữ thần mặt trăng và săn bắt Artemis của thần thoại Hy Lạp. (Ảnh: Wikimedia Commons).
Một bức tranh khảm mô tả nữ thần mặt trăng và săn bắt Artemis của thần thoại Hy Lạp. (Ảnh: Wikimedia Commons).

Khảo cổ học tiết lộ thêm về những “nữ thợ săn”

Một số phát hiện khảo cổ học cho thấy, phụ nữ thời tiền sử không chỉ có những chấn thương do công việc săn bắt ở cự ly gần đầy nguy hiểm (giống như đàn ông), mà đó còn là một hoạt động được họ coi trọng và đề cao.

“Chúng tôi đã dựng lại hoạt động săn bắt của người Neanderthal theo kiểu săn bắt cá nhân và ở cự ly gần, nghĩa là người đi săn thường phải tìm cách lẻn xuống bên dưới con mồi rồi mới giết được chúng” – Ocobock cho biết, “Khi nhìn vào hồ sơ hóa thạch của người tiền sử, chúng tôi nhận thấy cả phụ nữ và đàn ông đều có những vết thương tương đồng nhau”.

Ocobock mô tả những vết tích do chấn thương này với những chấn thương mà các đấu sĩ đấu bò (rodeo clown) thời nay gặp phải – chấn thương ở vùng đầu, ngực khi bị con vật đá; chấn thương ở chân tay khi bị chúng cắn hoặc làm cho gãy xương. “Chúng tôi phát hiện các kiểu thương tích và tỉ lệ thương tíchở nữ giới và nam giới đều ngang bằng nhau”, cô nói, “Vậy là cả hai giới đều tham gia vào hoạt động săn bắt thú số lượng lớn theo kiểu phục kích”.

Tiếp đó, còn có bằng chứng về những nữ thợ săn trong thời kỳ Holocen ở Peru, nơi phụ nữ được chôn cùng với vũ khí săn bắt. “Thông thường, người ta sẽ không được chôn cùng với một thứ gì đó trừ khi thứ đó có ý nghĩa quan trọng với họ, hoặc là thứ đó từng được sử dụng thường xuyên khi họ còn sống”.

“Hơn nữa, chúng tôi không có cơ sở nào để tin rằng phụ nữ thời tiền sử đã từ bỏ công việc săn bắt khi họ mang thai, cho con bú hay ẵm con” – Ocobock nói thêm, “chúng tôi cũng không thấy trong quá khứ xa xưa, có bất cứ dấu hiệu nào thể hiện sự tồn tại của việc phân công lao động theo giới tính”.

Theo Ocobock, trong các xã hội thời tiền sử, sinh tồn là một hoạt động cần sự chung tay. “Các nhóm đều không có đủ lượng người để phân chia cho mỗi người một nhiệm vụ riêng. Tất cả mọi người đều phải có các kĩ năng tổng quát để tồn tại”.

Thông qua những nghiên cứu trên, hai tác giả mong muốn mọi người thay đổi những quan niệm đã có bấy lâu nay, cho rằng phụ nữ yếu thế hơn về thể chất so với đàn ông.

Ocobock cho rằng, giới khoa học phải cực kỳ thận trọng trước việc các thành kiến của thời nay có thể ảnh hưởng đến cách hiểu về quá khứ.

“Ta không thể ngay lập tức mặc định về khả năng của một ai đó, chỉ dựa vào cái giới tính mà ta tự phân loại sau khi nhìn họ” – Ocobock kết luận.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657