Công trình hồ chứa nước Hoàng Ân (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được xây dựng từ những năm đầu sau giải phóng và được sửa chữa vào năm 2011.
Năm 2022, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) tiến hành điều tra, khảo sát và phát hiện tại đây có sự tồn tại của một di tích khảo cổ học thời tiền sử.
Những ngày qua, mực nước hồ Hoàng Ân xuống thấp. Tại đây, người dân đi câu cá phát hiện nhiều loại hình công cụ đá thời tiền sử xuất lộ trên bề mặt. Địa điểm phát hiện các di vật là một doi đất có diện tích khoảng 3.000m2, có độ dốc thoải dần về phía lòng hồ. Tọa độ được xác định là 13O49’32’’ vĩ Bắc-107O57’10’’ kinh Đông, với độ cao 649m so với mặt nước biển. Đây là nơi hợp lưu của các con suối đổ về từ các vùng như: Bàu Cạn, Ia Phìn và khu vực quanh núi Hàm Rồng.
Các di vật được phát hiện nằm rải rác hoặc ghim cắm vào bề mặt, nhưng tập trung chủ yếu vào các ta luy gần sát mép hồ, quá trình sạt lở đã làm lộ diện nhiều di vật. Là người phát hiện và thông tin cho chúng tôi, ông Trần Trọng Thủy (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) cho biết: Năm 2022, trong quá trình câu cá, ông cũng đã tìm thấy một số công cụ đá và hũ gốm.
Tiến hành khảo sát tại khu vực này, chúng tôi tìm thấy trên bề mặt có nhiều di vật, chủ yếu bằng đá và gốm bao gồm: bôn hình răng trâu là loại hình công cụ với dáng hình thuôn dài, vai xuôi lệch, một mặt phẳng và một mặt cong lồi (9 hiện vật); rìu vai xuôi (5 hiện vật); rìu có vai bằng đá opal kích thước nhỏ (5 hiện vật); mảnh vòng đá (1 hiện vật); mảnh bàn mài (5 hiện vật); mảnh tước (8 hiện vật), phiến tước (6 hiện vật), mảnh gốm (31 hiện vật, trong đó, 22 mảnh không có hoa văn và 9 mảnh có hoa văn khắc vạch).
Đặc biệt, tại đây có nhiều mảnh gốm thuộc các loại hình nồi, vò có miệng loe với cốt gốm dày, thô, màu xám, hoa văn trang trí trên gốm chủ yếu là họa tiết khắc vạch, hoa văn thừng.
So sánh về mặt hình học, chất liệu cũng như kỹ thuật chế tác cho thấy các di vật tìm thấy ở hồ Hoàng Ân có nhiều điểm tương đồng với những di tích đã khai quật trước đây như: Biển Hồ, Trà Dôm (TP. Pleiku), thôn 7 (huyện Chư Prông), Tai Pêr (huyện Chư Sê)…
Có thể khẳng định, hồ Hoàng Ân là điểm di tích mang những đặc trưng của nhóm công cụ phổ biến trong thời đại hậu kỳ Đá mới ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, có niên đại khoảng 3.000 năm cách ngày nay.
Thông qua những di vật phát hiện được, đặc biệt là những mảnh gốm, những công cụ được tu chỉnh lại để tái sử dụng, các nhà khảo cổ học cho rằng, di tích hồ Hoàng Ân có nhiều yếu tố thuộc loại hình di tích cư trú. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định ban đầu. Để làm rõ tính chất và giá trị của di tích cần có những bước nghiên cứu tiếp theo một cách đầy đủ và có hệ thống.
Vào mùa mưa, toàn bộ khu vực phát hiện di vật tại hồ Hoàng Ân ngập chìm trong nước, nguy cơ xói mòn, tàn phá di tích ngày càng cao. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần có chương trình điều tra, khảo sát, khai quật, nghiên cứu về di tích nhằm góp phần phác họa bức tranh thời tiền sử của vùng Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.