Phát hiện đồ vật La Mã nghi là đồ chơi tình dục cổ

Đồ vật bằng gỗ La Mã nghi ngờ là dương vật giả cổ được tìm thấy ở Anh có niên đại khoảng 2.000 năm tuổi.

Đồ vật bằng gỗ gần 2.000 năm tuổi dài khoảng 16cm có thể đóng vai trò như đồ chơi tình dục của người La Mã cổ đại ở Anh.

Cổ vật được khai quật năm 1992 trong một rãnh nước ở pháo đài La Mã Vindolanda, gần bức tường Hadrian tại Anh, công trình đánh dấu biên giới phía tây bắc của đế quốc La Mã. Các nhà khảo cổ ban đầu cho rằng vật thể là công cụ may vá, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Antiquity hôm 19/2. Sự nhầm lẫn này là kết quả do dụng cụ được tìm thấy bên cạnh hàng chục chiếc giày và phụ kiện váy vóc, cùng với nhiều công cụ nhỏ và phế phẩm thủ công khác.

Cổ vật bằng gỗ ở phòng trưng bày tại bảo tàng Vindolanda. (Ảnh: Vindolanda Trust)
Cổ vật bằng gỗ ở phòng trưng bày tại bảo tàng Vindolanda. (Ảnh: Vindolanda Trust)

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu suy đoán cổ vật là một dương vật giả và mô tả một số chức năng khả thi nhất của nó sau khi kiểm tra kỹ lưỡng. Món đồ chạm khắc dài 160 mm có thể dùng làm đồ chơi tình dục. Nếu đúng như vậy, đây là ví dụ duy nhất về dương vật bằng gỗ từ thời La Mã, theo đồng tác giả nghiên cứu Rob Collins, giảng viên khảo cổ ở Đại học Newcastle, Anh. “Chúng tôi không quá bất ngờ với phát hiện này. Thông qua văn học và nghệ thuật La Mã, chúng tôi biết họ sử dụng dương vật giả và chúng tồn tại. Nhưng chúng tôi chưa tìm thấy bất kỳ ví dụ khảo cổ nào”, Collins nói.

Một trong những nguyên nhân khiến đồ vật như vậy không phổ biến trong khảo cổ là dương vật giả thường làm từ vật liệu hữu cơ, do đó không tồn tại lâu. Theo nhóm nghiên cứu, món đồ có thể được sử dụng bởi chủ nô lệ để tra tấn hoặc thể hiện quyền thống trị và củng cố quyền lực.

Những đồ vật nhỏ hình dương vật thường được thiết kế giống mặt dây chuyền, có thể để xua đuổi ma quỷ hoặc vận xui. Tuy nhiên, cổ vật trong nghiên cứu đẽo từ gỗ tần bì tươi, với phần đế rộng và mũi nhọn, đồng thời hai bên cạnh trơn nhẵn hơn ở giữa. Do đó, nó có thể được đặt ở một bức tượng hoặc cấu trúc nào đó để người qua đường chạm vào lấy may. Nghi thức này rất phổ biến trên khắp đế quốc La Mã. Tuy nhiên, khi so sánh món đồ với món đồ gỗ tương tự từ thời Tân Vương quốc của Ai Cập, các nhà nghiên cứu nhận thấy nó thiếu một số đặc điểm cần thiết để có thể đặt trên một cấu trúc.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 519