Phát hiện gene của vi khuẩn họ hàng bệnh giang mai trên xương cổ

Phát hiện gene cổ xưa liên quan đến bệnh giang mai trong nghiên cứu xương người ở Brazil.

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra bộ gene lâu đời nhất của vi khuẩn cùng họ với bệnh giang mai.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 24/1, các nhà khoa học phát hiện DNA trên bộ xương người hơn 2.000 năm ở Brazil chứa vi khuẩn Treponema pallidum endemiam, một họ hàng gần của vi khuẩn gây bệnh giang mai.

Điểm khảo cổ Jabuticabeira II tại Brazil, nơi các nhà khoa học phát hiện bộ xương chứa DNA vi khuẩn cùng họ với bệnh giang mai. (Ảnh: Jose Filippini/CNN).
Điểm khảo cổ Jabuticabeira II tại Brazil, nơi các nhà khoa học phát hiện bộ xương chứa DNA vi khuẩn cùng họ với bệnh giang mai. (Ảnh: Jose Filippini/CNN).

Verena Schünemann, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Zurich, Thụy sĩ, cùng nhóm của bà đã phát hiện ra DNA từ vi khuẩn Treponema pallidum endeticum trong các bộ xương từ điểm khảo cổ Jabuticabeira II. Địa điểm này nằm gần Laguna do Camacho, trên bờ biển phía nam Brazil.

Hơn 200 người được chôn cất tại Jabuticabeira II từ năm 1.200 trước Công nguyên đến năm 400. Để nghiên cứu sâu hơn về những hài cốt này, Schünemann và các đồng nghiệp đã sàng lọc các mẫu xương từ 99 bộ xương.

Nhóm đã phát hiện 37 bộ xương có chứa DNA treponemal. Có 4 mẫu DNA trong số đó đã cung cấp đủ dữ liệu để các nhà nghiên cứu tái tạo lại bộ gene của mầm bệnh.

Nghiên cứu cho rằng bộ gene được tái tạo có những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với bộ gene gây bệnh bejel, một loại bệnh cũng do vi khuẩn treponemal, lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc với vết thương ở da hoặc miệng.

Các nghiên cứu cũng đề cập giang mai là một trong 4 căn bệnh do cùng một họ vi khuẩn gây ra. Ba bệnh còn lại do vi khuẩn treponemal là bejel, pinta, và ghẻ cóc là các bệnh nhiễm trùng mạn tính và không phải bệnh lây qua đường tình dục.

Với nghiên cứu trên bộ xương ở Brazil, các nhà khoa học xác định vi khuẩn gây bệnh bejel có nguồn gốc hơn 2.000 năm, vào khoảng năm 780 Trước công nguyên đến năm 450, thay vì xuất hiện vào thế kỷ XV như các phát hiện trước đây.

Tuy nhiên, bà Schünemann cho rằng nghiên cứu này không cung cấp đủ dữ kiện để xác định nguồn gốc của bệnh giang mai có ở niên đại nào.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 519