Phát hiện hóa thạch mực ma cà rồng 183 triệu năm tuổi

Hóa thạch mực ma cà rồng Simoniteuthis michaelyi kèm con mồi là một phát hiện độc đáo của các nhà khoa học.

Các nhà cổ sinh vật học phát hiện một loài mực ma cà rồng mới chết cùng với hai con cá trong miệng cách đây 183 triệu năm.

Loài mực mới phát hiện mang tên Simoniteuthis michaelyi là mẫu vật đặc biệt hóa thạch với con mồi trong tay, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Cổ sinh vật học của Thụy Sĩ, Newsweek hôm 26/2 đưa tin. Theo Ben Thuy, nhà cổ sinh vật học ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luxembourg (LNMNH), đây là một phát hiện thực sự thú vị, thể hiện tương tác cực kỳ hiếm giữa động vật săn mồi và con mồi, được lưu giữ nguyên vẹn theo thời gian.

Simoniteuthis michaelyi có hình dáng giống mực ma cà rồng ngày nay. (Ảnh: MBARI).
Simoniteuthis michaelyi có hình dáng giống mực ma cà rồng ngày nay. (Ảnh: MBARI).

Mực ma cà rồng (Vampyromorph) là một lớp thuộc động vật chân đầu, nhóm bao gồm bạch tuộc, mực nang và nhiều loài họ hàng khác. Mực ma cà rồng cực kỳ giống mực, nhưng chúng có họ gần hơn với bạch tuộc, sở hữu 8 tay thay vì 10. Một số loại mực ma cà rồng tuyệt chủng từng được phát hiện, chứng tỏ chúng là bộ phận chính trong quần thể ở đại dương tiền sử. Thành viên còn sống duy nhất trong nhóm là mực ma cà rồng địa ngục (Vampyroteuthis infernalis) sống dưới biển sâu.

Mẫu vật mực ma cà rồng tiền sử mô tả trong nghiên cứu mới nhất được tìm thấy trong một cuộc khai quật khoa học do LNMNH tiến hành vào tháng 5/2022 ở Bascharage, phía đông nam Luxembourg. Mẫu vật ước tính có niên đại từ đầu kỷ Jura, kéo dài từ 201 – 174 triệu năm trước. Theo Thuy, phát hiện này là động vật chân đầu giống mực hoàn chỉnh còn lưu giữ các bộ phận mềm vô cùng chi tiết. Đặc điểm khác thường nhất của hóa thạch mới là tình trạng bảo quản tuyệt vời, bao gồm những cấu trúc thường khó hóa thạch như mô cơ, mực hoặc nhãn cầu.

Simoniteuthis có thể trông giống mực ngày nay nhưng có 8 tay. Loài vật dài khoảng 38 cm. Do không có dấu vết hóa thạch về màu sắc còn sót lại, nhóm nghiên cứu chỉ có thể suy đoán về màu sắc của con vật khi nó còn sống. Từ bằng chứng hóa thạch, các nhà khoa học biết Simoniteuthis là động vật săn mồi chủ động. Trên thực tế, mẫu vật hóa thạch cùng với hai con cá trong miệng, chứng tỏ nó chết trong lúc ăn bữa cuối cùng. Nhưng sống trong đại dương đầy rẫy cá lớn và bò sát biển, Simoniteuthis có thể trở thành con mồi của động vật ăn thịt khác.

Simoniteuthis sống ở vùng biển nông ven biển một hòn đảo ngày nay là khu vực trung tâm của châu Âu. Tình trạng bảo quản của loài vật có thể được lý giải bởi điều kiện môi trường của vùng biển này. Nước ở đáy biển có nồng độ oxy thấp do điều kiện khí hậu và tuần hoàn đại dương lúc đó. Nhờ vậy, xác của Simoniteuthis được lưu giữ nguyên vẹn thay vì bị động vật ăn xác thối xâu xé.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657