Một người phụ nữ châu Âu đã tình cờ tìm thấy kho báu bị chôn giấu từ thời Trung Cổ mà các nhà khảo cổ học gọi là khám phá mười năm mới có một lần.
Theo thông cáo báo chí của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Séc (ARUP), kho báu được tìm thấy bởi một người phụ nữ đang đi dạo ở Kutná Hora, thị trấn nằm ở vùng Trung Bohemian của Cộng hòa Séc.
Kho báu bao gồm hơn 2.150 đồng bạc, được đúc từ năm 1085 đến năm 1107. Các chuyên gia tin rằng chúng được sản xuất ở Praha và nhập khẩu vào Bohemia.
ARUP giải thích trong thông cáo báo chí ngày 16/5: “Phát hiện kho báu này cho thấy, tiền được làm bằng hợp kim tiền xu, ngoài bạc còn chứa hỗn hợp đồng, chì và kim loại vi lượng. Việc xác định thành phần đặc biệt này cũng có thể giúp xác định nguồn gốc của bạc được sử dụng”.
Nhà khảo cổ học Filip Velímský cho biết kho báu được cất giấu trong một thùng gốm đã bị phá hủy qua nhiều năm. Velímský nói thêm rằng giá trị của những đồng tiền cổ là “không thể tưởng tượng nổi” trong khoảng thời gian đó.
Ông giải thích: “Thật không may, vào đầu thế kỷ 11-12, chúng tôi thiếu dữ liệu về sức mua của các đồng tiền đương đại. Nhưng đó là một số tiền khổng lồ, không thể tưởng tượng được, không có sẵn – đối với một người bình thường. Nó có thể được so sánh với việc trúng một triệu đô trong giải độc đắc”.
Các quan chức Séc gọi phát hiện này là “một trong những phát hiện lớn nhất trong thập kỷ qua”.
Thông cáo báo chí của ARUP cho biết: “Hơn 2.000 đồng bạc đại diện cho một số tiền khổng lồ vào thời đó”.
Các nhà sử học hiện đang làm việc để xử lý các đồng xu, bao gồm việc đưa chúng qua tia X và xác định xem đồng xu được làm từ chất liệu gì. Các hiện vật sau đó sẽ được trưng bày trong một cuộc triển lãm dự kiến ra mắt vào năm 2025.