Sáng 3/4, trao đổi với PV, ông Lý Kim Khoa, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng Viện nghiên cứu ứng dụng Văn hóa và Du lịch phát hiện thêm địa điểm mới với nhiều khối đá cổ khắc họa hình ruộng bậc thang tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVI – XVII.
Vị trí các khối đá khắc cổ nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, tại thôn Háng Chua Xay, cách UBND xã Chế Cu Nha khoảng 4 km đường chim bay về hướng Đông.
Các khối đá cổ được chạm khắc nằm thành hai cụm, cách nhau khoảng 15m, với 15 khối, chạy dọc theo hướng Bắc – Nam, thể tích từ 0,5 đến 4m3. Trên bề mặt đều có mặt phẳng hơi lồi và được chạm khắc phủ kín các hình tròn lõm đồng tâm, hình thoi.
Xuất hiện nhiều nhất là hình ruộng bậc thang “tầng tầng lớp lớp” trang trí xung quanh rìa và thân của các khối đá tạo nên một “tác phẩm” kỳ lạ, độc đáo.
Sơ bộ cho thấy, các đề tài hình khắc khá tỉ mỉ, kì công, uốn lượn mềm mại theo mặt lồi lõm của đá, có dạng hình ruộng bậc thang. Đây là thể loại đề tài chính trên các khối đá này, giống như các khối đá từng phát hiện ở các thôn: Hồng Nhì Pá, Tà Ghênh, Hú Trù Lình xã Lao Chải vào các năm 2015, 2020, 2021 và năm 2022.
Khác biệt là tại thôn Háng Chua Xay tập trung khá nhiều khối đá chạm khắc cổ, trong khi các điểm khác chỉ có rất ít. Theo Viện Khảo cổ học, đây là địa điểm của “trung tâm chạm khắc đá cổ Mù Cang Chải” với nhiều khối đá chạm khắc hoa văn đặc sắc và đẹp.
Ông Lý Kim Khoa, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết thêm, từ thực tế so sánh, các bức họa chạm khắc trên đá rất giống hình ruộng bậc thang mà đồng bào Mông Mù Cang Chải đang canh tác và từng bước mở rộng hiện nay.
Theo ông Khoa, với những nét độc đáo này, đơn vị đang phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhằm khôi phục lại tục thờ thần đá của người Mông Mù Cang Chải, nhằm quảng bá du lịch gắn liền với truyền thống của người Mông nơi đây.