Các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện hóa thạch của một loài khủng long mới với chiếc sừng độc đáo như chiếc mũ sắt của vị thần Loki trong thần thoại Bắc Âu.
Con khủng long dài xấp xỉ 6,7m và nặng khoảng 5 tấn được đặt tên là Lokiceratops vì có “chiếc mũ” độc đáo. Nó thuộc về nhóm khủng long ăn chay gọi là “centrosaurines”, có niên đại cách đây 78 triệu năm.
Tên đầy đủ của loài khủng long mới là Lokiceratops rangiformis – có nghĩa là “khuôn mặt có sừng của Loki trông giống như một con tuần lộc”, theo trang IFLScience ngày 20-6.
Con khủng long này cũng nằm trong nhóm khủng long có sừng gọi là ceratopsids, tiến hóa lần đầu tiên vào khoảng 92 triệu năm trước trong Kỷ Phấn trắng muộn. Lokiceratops rangiformis là một trong những loài khủng long lớn nhất và có sừng độc đáo nhất từng được phát hiện.
Chiếc “mũ đội đầu” của Lokiceratops rất kỳ lạ, kể cả theo tiêu chuẩn của ceratopsids, giúp nó trở thành một trong những khủng long có sừng dạng bảng to lớn nhất từng thấy trong nhóm ceratopsids. Tuy nhiên, Lokiceratops không có sừng mũi.
Giới khảo cổ đã biết rằng nhóm khủng long này có nhiều loài có sừng rất độc đáo, song phát hiện nói trên làm sáng tỏ sự đa dạng chưa được công nhận trước đây của chúng.
“Một loài khủng long có sừng mới được tìm thấy ở vùng đất phía bắc Montana vào Kỷ Phấn trắng muộn hé lộ sự đa dạng cao bất ngờ, cho thấy tỉ lệ hình thành loài và tính đặc hữu khu vực cao trong các thành viên của nhóm này”, đồng tác giả nghiên cứu Mark Loewen, giảng viên tại Đại học Utah (Mỹ), cho biết.
Về tổng thể, Lokiceratops rangiformis là loài khủng long centrosaurines thứ tư và loài khủng long có sừng thứ năm từ một hệ động vật (fauna) – động vật của một khu vực, một môi trường sống hoặc thời kỳ địa chất cụ thể.
Hóa thạch trong khu vực dọc biên giới Mỹ – Canada cho thấy các con khủng long có sừng đã sống và tiến hóa trong một khu vực địa lý nhỏ. Tính đặc hữu cao trong nhóm centrosaurines cho thấy sự đa dạng của khủng long hiện đang bị đánh giá thấp.