Thành phố cổ Chichén Itzá của người Maya ở Bán đảo Yucatán (Mexico) từ lâu đã gắn liền với lễ hiến tế, với hàng trăm mảnh xương được khai quật từ các ngôi đền, một hố sụt linh thiêng và các hang động ngầm khác.
Từ lâu đã tồn tại một quan niệm cho rằng, các nạn nhân của lễ hiến tế thường còn trẻ và là nữ giới. Đây là một ấn tượng đã in sâu vào trí tưởng tượng đương thời và khó xóa bỏ ngay cả khi nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, cả nam giới và phụ nữ cũng như trẻ em đều nằm trong số những người bị hy sinh. Một nghiên cứu được công bố hôm 13/6 trên tạp chí Nature đã bổ sung thêm những chi tiết bất ngờ về lễ hiến tế của người Maya.
Dựa trên DNA cổ xưa thu thập được từ hài cốt của 64 người mà các nhà khảo cổ tin rằng đã bị hiến tế theo nghi thức và sau đó được giữ trong một căn phòng dưới lòng đất, phân tích mới cho thấy, các nạn nhân đều là những cậu bé, nhiều người trong số họ có quan hệ họ hàng gần gũi.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Rodrigo Barquera, nhà nghiên cứu thuộc khoa Khảo cổ học tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig (Đức) cho biết, đã có những phát hiện bất ngờ. Chúng tôi tìm thấy một nơi chôn cất không phân biệt giới tính, nhiều người trong số họ có quan hệ họ hàng với nhau và có hai cặp sinh đôi.
Làm sáng tỏ nhờ DNA
Ông Rubén Mendoza, nhà khảo cổ học và giáo sư khoa Khoa học xã hội và Nghiên cứu toàn cầu tại Trường Đại học bang California (Mỹ), cho biết, quan điểm khủng khiếp về việc người Maya chỉ hiến tế phụ nữ hoặc trẻ em gái phần lớn là huyền thoại bắt nguồn từ những câu chuyện về hố sụt thiêng liêng của Chichén Itzá hoặc cenote ở Vịnh Monterey.
“Đặc điểm về lễ hiến tế của người Maya đã được mô tả trên phương tiện truyền thông về các thiếu nữ (hay còn gọi là trinh nữ) bị ném đến chết tại Giếng thiêng”, ông Mendoza nói.
Tuy nhiên, bí ẩn về lễ hiến tế của người Maya rất khó giải đáp vì không thể xác định giới tính bộ xương của một đứa trẻ chỉ bằng cách phân tích xương. Mặc dù xương chậu và một số xương khác có thể tiết lộ bộ xương là nam hay nữ trưởng thành, nhưng sự khác biệt rõ ràng chỉ xuất hiện ở tuổi dậy thì và ngay cả ở người trưởng thành, sự biến đổi tự nhiên có thể khiến việc xác định chính xác trở nên khó khăn.
Khó khăn này làm cho việc phân tích di truyền trở nên đặc biệt có giá trị, đồng tác giả nghiên cứu, bà Christina Warinner, John L. Loeb, Phó Giáo sư Khoa học xã hội và Nhân chủng học tại Đại học Harvard và là trưởng nhóm tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck cho biết. Nhưng tác động của DNA cổ đại, vốn đã cách mạng hóa ngành khảo cổ học ở châu Âu và các khu vực ở cao hơn, lại bị hạn chế hơn ở các khu vực nhiệt đới vì DNA dễ bị phân hủy trong điều kiện ấm áp. Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây trong công nghệ DNA cổ đại đang mở rộng phạm vi hoạt động của nó.
“Chúng tôi đang ngày càng hoàn thiện hơn trong việc thu thập ngay cả những lượng DNA rất nhỏ. Giờ đây chúng ta có khả năng thực hiện những nghiên cứu về gen quy mô lớn và áp dụng DNA cổ đại như một công cụ giúp chúng ta hiểu về quá khứ ở Trung Mỹ”, bà Warinner nói.
Nhóm nghiên cứu mới đã có thể trích xuất và giải trình tự DNA cổ từ 64 trong số khoảng 100 cá thể, hài cốt được tìm thấy nằm rải rác trong một buồng lưu trữ dưới lòng đất được phát hiện vào năm 1967 cách hố sụt thiêng liêng khoảng 400 mét ở Chichén Itzá.
Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, hang động dưới lòng đất đã được sử dụng trong 500 năm, mặc dù hầu hết những đứa trẻ còn sót lại mà nhóm nghiên cứu phát hiện đã được an táng ở đó trong khoảng thời gian từ năm 800 đến năm 1.000 sau Công Nguyên – trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực chính trị của Chichén Itzá trong khu vực.
Theo phân tích DNA, tất cả những đứa trẻ đều là con trai, được chọn từ dân tộc Maya vào thời điểm đó, ít nhất 1/4 trong số chúng có quan hệ họ hàng gần gũi với ít nhất một đứa trẻ khác ở buồng lưu trữ. Nhóm này còn có hai cặp sinh đôi cũng như anh chị em ruột và anh em họ hàng. Hầu hết các cậu bé đều từ 3 đến 6 tuổi khi chết.
Kết nối với cộng đồng ngày nay
Bà Warinner cho biết, thông qua nghiên cứu này, lần đầu tiên vật liệu di truyền được phục hồi từ hài cốt Maya cổ đại đủ chi tiết để có thể giải trình tự gene, cung cấp bức tranh phong phú hơn về việc nạn nhân là ai và họ có quan hệ họ hàng với ai.
So sánh DNA cổ đại với DNA của 68 cư dân thuộc cộng đồng Tixcacaltuyub Maya ngày nay, các nhà nghiên cứu nhận thấy, cả hai có chung một dấu hiệu di truyền gần gũi.
Nhóm nghiên cứu cũng cho thấy hệ thống miễn dịch của cư dân đã được hình thành như thế nào do hậu quả sinh học của những căn bệnh mà thực dân châu Âu mang lại. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, người dân bản địa ngày nay có các biến thể di truyền có thể bảo vệ họ chống lại nhiễm khuẩn salmonella, được cho là mầm bệnh gây ra dịch bệnh cocoliztli tàn khốc năm 1545.
Bà María Ermila Moo-Mezeta, đồng tác giả của nghiên cứu và giáo sư nghiên cứu người Maya tại Đại học tự trị Yucatán cho biết, nghiên cứu mới này rất có ý nghĩa đối với bà trong việc bảo tồn “ký ức lịch sử của người Maya”.