Một hố hình vuông chứa ngọc trai, đồ trang sức quý và hàng trăm tượng Phật đã được khai quật trong tàn tích ngôi chùa cổ.
Theo Heritage Daily và Tân Hoa Xã, một cuộc khai quật ở TP Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây – Trung Quốc đã tiết lộ một ngôi chùa cổ triều Bắc Ngụy, chứa đựng vô số kho báu và các dữ liệu khảo cổ thú vị.
Tọa lạc tại quận Bình Thành của thành phố, ngôi chùa cổ có khả năng gắn liền với một cung điện gần đó.
TP Đại Đồng được thành lập vào năm 200 trước Công nguyên, thuộc thời nhà Hán của Trung Quốc, nhưng thực sự trở nên phồn hoa khi trở thành kinh đô của triều Bắc Ngụy (năm 386-535 sau Công nguyên).
Đó là triều đại chứng kiến sự thống nhất ở miền Bắc Trung Quốc, chấm dứt thời kỳ Thập lục quốc hỗn loạn.
Cũng như nhiều di tích khác của thời này, ngôi chùa cổ thể hiện sự phồn vinh, xa hoa của miền đất kinh đô xa xưa này.
Ngôi chùa được xây dựng trên một khoảng đất hình vuông, một kiểu điển hình từ thời nhà Tùy và nhà Đường của Trung Quốc.
Khi khai quật nền chùa, các nhà khảo cổ đã vô cùng bất ngờ khi tìm thấy tới hơn 200 bức tượng Phật được bảo tồn tốt. Đó là những hiện vật vô giá với niên đại ít nhất là hơn 1.500 năm, chưa kể ý nghĩa lịch sử, tôn giáo cũng như trình độ chế tác của các hiện vật.
Một số bức tượng trong số đó được trang trí bằng vàng lá.
Thú vị hơn, giữa nền chùa là một hố hình vuông trong đó chứa nhiều ngọc trai, nhẫn đồng và đồ trang sức bằng san hô.
Kiểm tra các vách tường, trần còn sót lại, các nhà khảo cổ cũng phát hiện dấu vết của những bức tranh tường nhiều màu sắc.
Theo nhà nghiên cứu Li Shuyun từ Viện Khảo cổ học tỉnh Sơn Tây, ngôi chùa cổ đã cung cấp những hiểu biết mới về kiến trúc chùa Phật giáo thời Bắc Ngụy. Đây cũng là ngôi chùa cổ được bảo tồn tốt nhất trong khu vực.