Phong tục “ở cữ” của đàn ông trong thời Trung Quốc cổ đại

"Chan weng zhi" là phong tục cho phép đàn ông Trung Quốc cổ đại ở cữ, mặc đồ phụ nữ, bắt chước đau đớn khi vợ sinh và nghỉ ngơi để hồi phục.

Ở thời Trung Quốc cổ đại, phụ nữ sau khi sinh con thường quay trở lại làm việc ngay trong khi chồng sẽ là người có thời gian ở cữ, ‘hồi phục sau sinh’.

Tại Trung Quốc, thời gian 1 tháng sản phụ ở nhà tĩnh dưỡng, hồi phục sau khi sinh con cũng được gọi là “ở cữ”. Dù ngày nay, văn hóa này hầu như được thực hiện bởi phụ nữ song từng có thời gian, đàn ông Trung Quốc cũng “ở cữ”.

Ở Trung Quốc cổ đại, “chan weng zhi”, hay “phong tục mang thai đồng cảm”, cho phép đàn ông cũng trải qua quá trình “hồi phục sau sinh”.

Theo tìm hiểu của South China Morning Post, từ năm 60 trước Công nguyên, khi đàn ông tham gia hồi phục sau sinh, họ thường mặc quần áo phụ nữ và bắt chước những cơn đau chuyển dạ khi vợ sinh con, kèm theo những tiếng rên la và biểu cảm đau đớn.

Sau khi đứa con chào đời, người đàn ông phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt khi ở cữ. Chẳng hạn, họ không được phép rời khỏi giường, phải tránh đồ ăn cay, mặn và không được làm công việc lao động nào ngoại trừ chăm sóc con cái.

Người mẹ – người mới thực sự sinh con – thường quay lại làm việc ngay và thậm chí còn hỗ trợ chồng trong thời gian “hồi phục”.

Phong tục này từng phổ biến ở nhiều nhóm dân tộc tại Trung Quốc như Choang, Đại và Tây Tạng song vẫn chưa rõ khoảng thời gian chính xác.

Nhà thám hiểm người Italy Marco Polo từng ghi lại quan sát của ông về những người đàn ông ở cữ trong chuyến du hành phía tây nam Trung Quốc vào thời nhà Nguyên (1271-1368). Ông viết rằng sau khi một phụ nữ Đại sinh con, cô ấy sẽ tiếp tục công việc bình thường trong khi chồng cô ở trên giường suốt 40 ngày.

Trong giai đoạn này, người chồng sẽ nhận được những lời chúc tốt đẹp từ người thân, bạn bè.

Trong quá khứ, đàn ông Trung Quốc mới là người ở cữ thay vì phụ nữ sau sinh. (Đồ họa: SCMP).
Trong quá khứ, đàn ông Trung Quốc mới là người ở cữ thay vì phụ nữ sau sinh. (Đồ họa: SCMP).

Các học giả cho rằng, tập quán này xuất hiện trong quá trình chuyển đổi từ xã hội mẫu hệ sang xã hội phụ hệ. Trong các xã hội mẫu hệ, nơi phụ nữ có địa vị cao hơn và thống trị vai trò xã hội, đàn ông ở vị trí cấp dưới và cây phả hệ đi theo dòng dõi của mẹ.

Tuy nhiên, khi đàn ông dần trở thành trụ cột gia đình và thay đổi địa vị, họ tìm cách thay đổi tình hình bằng cách khẳng định tầm quan trọng của mình trong việc sinh con.

Do đó, đàn ông giả vờ “ở cữ”, tượng trưng cho “tôi là người sinh con, đứa trẻ phải mang họ tôi” để nhấn mạnh vai trò chính của họ trong việc nuôi dạy con cái.

Theo Farong Xiao, giáo sư bậc 1 tại Xian Shiyou University, các nhà nhân học đã tìm thấy bằng chứng về hoạt động tương tự ở Đông Á, dãy núi Pyrenees ở Pháp, đông bắc Nam Mỹ và cao nguyên Bắc Mỹ. Nhóm dân tộc Ainus từ Nhật Bản và một số bộ lạc ở miền nam Ấn Độ cũng thực hành tục lệ này.

Ở miền nam Ấn Độ, có truyền thống người chồng mặc quần áo phụ nữ nhiều màu sắc và nằm trên ghế tựa cạnh vợ khi sinh con, quằn quại như thể đang trải qua cơn đau chuyển dạ cho đến khi đứa trẻ chào đời.

Trong thời hiện đại, phần lớn tục lệ này đã biến mất ở Trung Quốc.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657