Rượu vang trắng La Mã chuyển màu sau 2.000 năm vẫn uống được

Rượu vang trắng trong bình tro cốt La Mã chuyển màu nâu đỏ sau 2.000 năm vẫn uống được, phát hiện tại Seville.

Rượu vang trắng đựng trong bình tro cốt dưới hầm mộ La Mã chuyển màu nâu đỏ sau 2.000 năm, vẫn uống được và có vị mặn.

Trong lúc khai quật hầm mộ La Mã ở thị trấn Carmona, tỉnh Seville, Tây Ban Nha, các nhà khảo cổ phát hiện bình tro cốt bằng thủy tinh chứa một hỗn hợp đặc biệt, Smithsonian hôm 18/6 đưa tin. Chìm trong gần 5 lít chất lỏng màu nâu đỏ của chiếc bình là xương hỏa táng của một người đàn ông và chiếc nhẫn vàng trang trí hình vị thần La Mã hai đầu Janus.

Hầm mộ được phát hiện vào năm 2019 (trái) và bình tro cốt đựng rượu vang (phải). (Ảnh: Juan Manuel Román).
Hầm mộ được phát hiện vào năm 2019 (trái) và bình tro cốt đựng rượu vang (phải). (Ảnh: Juan Manuel Román).

Hầm mộ La Mã được phát hiện lần đầu vào năm 2019, trong quá trình xây dựng một ngôi nhà gần đó. Theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Journal of Archaeological Science: Reports, người La Mã có thể đã xây dựng cấu trúc này vào nửa đầu thế kỷ thứ nhất.

Sau khi phân tích trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận rằng chất lỏng nâu đỏ từng là rượu vang trắng, nhưng đã chuyển màu đến mức không thể nhận ra qua 2.000 năm. Đây cũng là rượu vang dạng lỏng lâu đời nhất từng ghi nhận.

“Đây là lần đầu tiên một thứ như vậy được phát hiện. Cho đến nay, tất cả những bình tro cốt được tìm thấy chỉ chứa tro cốt hỏa táng và các đồ vật liên quan đến cúng tế”, nhà hóa học hữu cơ José Rafael Ruiz Arrebola tại Đại học Córdoba, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy chất lỏng có độ pH 7,5, tương tự nước. Tuy nhiên, thành phần hóa học của nó giống với rượu vang.

“Chúng tôi tìm kiếm dấu hiệu sinh học – những hợp chất hóa học giúp xác định rõ một chất là gì. Trong trường hợp này, chúng tôi tìm các polyphenol chỉ có ở rượu vang và phát hiện 7 loại. Chúng tôi so sánh chúng với những polyphenol trong rượu vang ở khu vực này và thấy trùng khớp. Điều đó giúp xác nhận đây là rượu”, Ruiz Arrebola giải thích.

Do không có axit syringic – phụ phẩm của quá trình phân giải rượu vang đỏ – nhóm nghiên cứu xác định rằng rượu trong bình tro cốt làm từ nho trắng.

Rượu vang trắng ở Carmona chuyển màu nâu đỏ sau 2.000 năm. (Ảnh: Juan Manuel Román).
Rượu vang trắng ở Carmona chuyển màu nâu đỏ sau 2.000 năm. (Ảnh: Juan Manuel Román).

Trước phát hiện mới, danh hiệu rượu vang lỏng lâu đời nhất thế giới thuộc về bình rượu trong một ngôi mộ La Mã khác gần Speyer, Đức, được tìm thấy vào năm 1867. Tồn tại từ khoảng năm 325, bình rượu này chôn cùng người đã khuất để giải tỏa cơn khát cho họ ở thế giới bên kia. Vết tích rượu lâu đời nhất có niên đại khoảng 8.000 năm, nhưng chỉ là dấu vết hóa học được chiết xuất từ đồ gốm Georgia.

Các nhà nghiên cứu cho biết, về mặt kỹ thuật, rượu lỏng ở Carmona vẫn có thể uống. “Nó không độc chút nào. Chúng tôi đã tiến hành phân tích vi sinh”, Ruiz Arrebola nói. Tuy nhiên, ông vẫn từ chối uống vì rượu đã trải qua 2.000 năm tiếp xúc với tro cốt hỏa táng của một người La Mã.

Trong khi đó, đồng tác giả Daniel Cosano, nhà hóa học hữu cơ tại Đại học Córdoba, nếm thử rượu vang cổ và nhận xét nó có vị mặn. “Điều này không có gì ngạc nhiên với thành phần hóa học của chất lỏng, cụ thể là nồng độ kali và natri cao”, Arrebola cho biết.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657