Dài hơn 458m với sức chở hơn 564.000 tấn hàng, Seawise Giant là con tàu dài, lớn và nặng nhất thế giới từng được sản xuất cuối thập niên 1970 đã trở thành sắt vụn.
Con tàu thậm chí dài hơn tháp Eiffel và tòa nhà Empire State. Sàn tàu có diện tích lớn hơn 6 sân bóng đá, theo Andrew Boyd, chuyên gia kỹ thuật công nghiệp ở Đại học Houston. Con tàu khổng lồ ra khơi trong hơn hai thập kỷ. Khi ngừng hoạt động, 18.000 công nhân mất hơn một năm để tháo dỡ tàu và biến nó thành đống sắt vụn, theo Interesting Engineering.
Cuối thập niên 1970, công ty đóng tàu Sumitomo Heavy Industries ở Tokyo nhận được đơn hàng đóng một siêu tàu chở dầu đồ sộ từ một thương nhân Hy Lạp. Năm 1979, khi tàu sắp hoàn thành, thương nhân đó đã rút lui. Một số nguồn tin cho rằng ông bị phá sản trong khi nguồn khác tiết lộ ông đã đổi ý. Tuy nhiên, lý do phía sau quyết định không mua Seawise Giant của ông vẫn không được tiết lộ.
Hai năm sau, Tung Chao Yung, người sở hữu công ty vận chuyển hàng hóa Orient Overseas Container Line (OOCL), liên lạc với Sumitomo. Ông bày tỏ hứng thú mua lại siêu tàu chở dầu nhưng với một điều kiện. Yung muốn con tàu lớn hơn và nhà đóng tàu Nhật Bản đồng ý. Cuối cùng, khi công ty của Yung nhận bàn giao siêu tàu chở dầu, nó dài 458m. Chỉ riêng bánh lái đã nặng tới 230 tấn. Chính Yung đặt cho con tàu tên gọi “Seawise Giant”.
Siêu tàu chở dầu này lớn đến mức nếu một thủy thủ cần chuyển hướng tàu, anh ta sẽ cần khu vực trống rộng ít nhất 7.042km2. Ngoài ra, nếu tàu di chuyển ở tốc độ tối đa 30,5 km/h và thuyền trưởng muốn dừng lại, họ sẽ phải đi thêm 9km trước khi tàu đi chậm lại và dừng hẳn. Việc dừng đột ngột một tàu lớn như Seawise không thực tế và an toàn trong khi di chuyển. Đó là vì quán tính tạo bởi kích thước ngoại cỡ của tàu có thể rung lắc mọi thứ bên trong. Tuy nhiên, Seawise Giant vẫn là tài sản giá trị đối với OOCL. Trong 7 năm tiếp theo, công ty thường xuyên sử dụng con tàu để vận chuyển dầu thô giữa Mỹ và Trung Đông.
Cái chết và sự hồi sinh của Seawise Giant
Mọi thứ thay đổi đối với Seawise Giant năm 1988. Đó là năm Iraq và Iran có chiến tranh. Ngày 14/5/1988, con tàu chở đầy dầu thô của Iran chuẩn bị khởi hành từ đảo Larak, Iran thì Không quân Iraq bắt đầu thả bom và tên lửa trong khu vực. Dầu thô trong bình chứa trên tàu Seawise Giant bắt lửa và đám cháy lan ra cả tàu chỉ trong thời gian ngắn. Tàu gặp thiệt hại nghiêm trọng và cuối cùng bị chìm.
Khi chiến tranh qua đi, OOCL chịu tổn thất nặng nề do vụ đắm tàu Seawise Giant. Họ biết nơi con tàu bị chìm nhưng vẫn để nguyên trạng do kết quả phân tích cho thấy việc trục vớt và sửa chữa siêu tàu chở dầu không khả thi về mặt kinh tế. Tuy nhiên, một công ty Na Uy khác là Normal Internation nhìn thấy cơ hội lớn. Họ quyết định kéo lên, sửa chữa và sở hữu con tàu với chi phí hàng triệu USD. Cuối cùng, họ có thể sửa xong con tàu, sử dụng 3.700 tấn thép. Họ cũng đổi tên tàu thành Happy Giant. Dù vậy, Normal International chỉ giữ con tàu trong thời gian ngắn khi nhiều ông lớn bày tỏ hứng thú mua lại.
Sự trở lại của Seawise Giant
Năm 1991, Normal International nhận được một đề nghị cực hấp dẫn. Jørgen Jahre, một ông lớn trong ngành vận chuyển ở Na Uy trả họ 39 triệu USD để mua lại Happy Giant và đổi tên thành Jahre Viking. Không lâu sau, con tàu hoạt động trở lại trong ngành vận chuyển dầu. Công ty của Jahre thuê đội thủy thủ đoàn 40 thành viên do thuyền trưởng Surrinder Kumar Mohan chỉ huy. Họ vận hành thành công con tàu trong 10 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, những quy định thương mại đường biển thay đổi theo thời gian. Đầu thập niên 2000, các công ty vận chuyển chuyển từ tàu lớn, cũ và chậm sang tàu nhỏ, nhanh và linh hoạt. So với tàu hiện đại, Jahre Viking cần nhiều nhiên liệu hơn và có chi phí vận hành cao hơn. Ngoài ra, do chiều dài, nó không thể di chuyển dễ dàng và nhanh chóng qua những tuyến đường thông thương quan trọng nhưng hẹp như kênh đào Panama và Suez. Tất cả thách thức đó cuối cùng buộc Jahre phải bán con tàu lớn nhất thế giới choFirst Olsen Tankers.
Hành trình cuối cùng của con tàu dài nhất
First Olsen Tankers tiếp nhận con tàu năm 2004. Họ đổi tên nó thành Knock Nevis và sử dụng trong 5 năm làm cơ sở lưu trữ cố định ở mỏ dầu Al Shaheen tại Qatar. Cuối cùng, khi tàu không còn phù hợp để lưu trữ bình chứa dầu, nó được bán cho một xưởng phá dỡ tàu ở Gujarat, Ấn Độ, và đổi tên thành Mont. Không lâu sau, Seawise Giant thực hiện hành trình cuối cùng và tới đích vào tháng 12/2009. Năm tiếp theo, 18.000 công nhân tham gia tháo dỡ nó. Phần duy nhất của siêu tàu chở dầu còn tồn tại hiện nay là mỏ neo nặng 36 tấn, trưng bày ở Bảo tàng hàng hải Hong Kong.