Thảm họa Panjandrum trong Thế chiến II

Panjandrum là cỗ xe chở thuốc nổ được Anh chế tạo trong Thế chiến II, nhưng dự án gặp nhiều thất bại.

Panjandrum là một xe chở lượng lớn thuốc nổ được đẩy bằng nhiều tên lửa, do người Anh thiết kế trong Thế chiến II nhưng kết quả thử nghiệm cho thấy vũ khí này là một thảm họa.

Năm 1941, chính phủ Anh thành lập một cơ quan lâm thời mang tên Tổng cục Phát triển Vũ khí Hỗn hợp (DMWD) chịu trách nhiệm tìm ra những vũ khí mới để tiêu diệt kẻ thù. Nỗ lực của DMWD dẫn tới sự ra đời của nhiều phát minh nổi tiếng nhưng vẫn có một số dự án thất bại, trong đó thảm họa nhất là dự án Panjandrum, theo Interesting Engineering.

Với tên gọi lấy cảm hứng từ một nhân vật trong tác phẩm của nhà soạn kịch thế kỷ 18 Samuel Foote, Panjandrum thất bại ngay từ khi bắt đầu. Được chế tạo như một cặp bánh xe lớn, mỗi bánh có đường kính khoảng 3m, cỗ xe có một thùng hình ống bằng thép ở chính giữa có thể chở hơn một tấn thuốc nổ. Quanh vành bánh xe là các ống rỗng gắn tên lửa sử dụng cordite (thuốc nổ không khói) để cỗ xe lăn bánh, đẩy phương tiện về phía hàng rào phòng ngự bằng bên tông dọc theo bờ biển Pháp với mục đích tạo ra một lỗ hổng lớn. Nhóm thiết kế ước tính khi chở hết công suất, cỗ xe Panjandrum nặng 1.800 tấn có thể đạt tốc độ 100km/h, đủ động lượng để đâm bất kỳ chướng ngại vật nào giữa điểm xuất phát và mục tiêu.

Các cuộc thử nghiệm với Panjandrum đều kết thúc thảm hại. (Ảnh: Amusing Planet).
Các cuộc thử nghiệm với Panjandrum đều kết thúc thảm hại. (Ảnh: Amusing Planet).

Cuối năm 1943, một nguyên mẫu của Panjandrum được chế tạo ở London và bí mật vận chuyển xuyên đêm tới một ngôi làng nhỏ tên Westward Ho! ở vùng ven biển phía nam. Tuy nhiên, lựa chọn bãi thử nghiệm này khá tệ. Westward Ho! Là một khu nghỉ mát ven biển nổi tiếng. Vào sáng ngày 7/9/1943, khi thiết bị lăn bánh trên bãi biển, xung quanh có rất nhiều người đi biển. Cư dân địa phương và người đi nghỉ mát thích thú vây quanh thiết bị.

Cuộc thử nghiệm bắt đầu chỉ với vài ống nhồi tên lửa cordite gắn vào bánh xe, và sử dụng bao cát nặng tương đương để mô phỏng khối thuốc nổ. Tên lửa khai hỏa và Panjandrum bắn về phía trước, vọt khỏi bệ phóng và đạt khoảng cách khá xa trên bãi biển. Tuy nhiên, vài tên lửa ở một bánh xe bị trục trặc, khiến cỗ xe đi chệch đường. Bất chấp nỗ lực khai hỏa nhiều tên lửa hơn, Panjandrum liên tục mất kiểm soát trước khi tới cuối bãi biển.

Để giải quyết vấn đề cân bằng, người đứng đầu dự án là Nevil Shute Norway lắp bánh xe thứ 3 vào Panjandrum. Khi xuất phát, cỗ xe lao nhanh về phía đường bờ biển, lướt qua bãi biển trước rồi chạy ra xa. Tên lửa rơi ra và nổ lung tung phía trên đầu khán giả tụ tập đứng xem hoặc phát nổ dưới nước. Nhóm phát triển bố trí thêm nhiều cuộc thử nghiệm nữa. Lần này họ tháo bánh thứ 3 và gắn dây cáp nặng vào mỗi đầu thùng hình ống, nối với hai tời kéo nhằm lái cỗ xe an toàn ra bãi biển. Tuy nhiên, Panjandrum quá mạnh, làm đứt và kéo lê dây cáp ngang qua bãi biển.

Khi đó, rõ ràng Panjandrum không có tính thực tế, nhưng DMWD vẫn tiếp tục dự án. Sau vài tuần chỉnh sửa, các kỹ sư sẵn sàng với phiên bản cải tiến. Tháng 1/1944, một số quan chức chính phủ và cán bộ cấp cao của lực lượng vũ trang được mời tới cuộc thử nghiệm mới.

Brian Johnson mô tả diễn biến cuộc thử nghiệm trong bộ phim tài liệu The Secret War năm 1977 trên kênh BBC. Ban đầu, tất cả tiến triển tốt. Panjandrum lăn bánh ra biển. Những quan chức quân đội theo dõi qua ống nhòm từ đỉnh một gò đất. Sau đó, sự cố xảy ra. Ban đầu, một tên lửa tên lửa rơi ra, tiếp theo là hai tên lửa khác. Panjandrum bắt đầu lắc lư một cách đáng ngại. Cỗ xe lao vào một loạt miệng hố nhỏ trên bãi cát và bắt đầu vòng sang phải, lăn nhanh về phía Klemantaski, người theo dõi sự kiện qua ống kính viễn vọng nên không thể ước lượng chuẩn khoảng cách và vẫn tiếp tục quay phim. Nghe thấy tiếng ầm ầm ngày càng gần, ông ngẩng lên và trông thấy Panjandrum với những quả tên lửa rơi rụng theo mọi hướng, lao thẳng về phía ông. Khi bỏ chạy thoát thân, ông thoáng thấy các tướng tá vội tìm nơi trú ẩn phía sau gò đất. Panjandrum lăn trở lại phía bờ biển và nổ tung thành nhiều mảnh trên mặt cát, kéo theo tên lửa bắn khắp bãi biển ở tốc độ cao.

Sau cuộc thử nghiệm thảm họa, cuối cùng dự án bị gác lại. Lần duy nhất Panjandrum hoạt động thành công là năm 2009, khi phiên bản mô phỏng 1,8m được chế tạo và triển khai trên bãi biển Westward Ho!. Sau khi chạy khoảng 50 ở tốc độ ngang người đi bộ, những quả tên lửa bắn xa 450m, không đủ xa như kỳ vọng.

Ban biên tập dauchan.net
Ban biên tập dauchan.net
Bài viết: 657