Các nhà khảo cổ thậm chí còn cho rằng vật thể này do ai đó “xuyên không” và bỏ lại.
Vào năm 2016, một người dân ở thành phố Thai Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang tình cờ đào được một ngôi mộ cổ khi đào móng xây nhà. Người này lập tức thông báo cho các nhà chức trách địa phương và Cục Quản lý Di sản địa phương. Ngay lập tức, một nhóm các nhà khảo cổ được cử tới kiểm tra. Tuy nhiên, ngôi mộ cổ này đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, mọi di chuyển của các chuyên gia đều rất khó khăn.
Khi họ đang tìm kiếm, một vật thể phát ra ánh sáng lấp lánh khi có ánh nắng hoặc đèn chiếu vào khiến các nhà khảo cổ bị thu hút. Hóa ra, đó là một miếng thủy tinh có hình tròn được xỏ qua dây. Theo các chuyên gia, ngôi mộ này thuộc thời Nam Tống, tức là cách đây khoảng 800 năm và khả năng miếng thủy tinh này không thể xuất hiện ở thời đại đó. Do đó, họ đã quyết định đem nó về phòng thí nghiệm.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khảo cổ phát hiện ra vật thể lạ này có đường kính khoảng 7,5 cm; bên trên dính một lượng nhỏ bông gòn, mép xung quanh có đường vân rõ ràng. Bề ngoài nó rất giống các miếng thủy tinh hình tròn ở thời hiện đại. Họ đã rất bối rối bởi sự hoàn hảo của vật thể này. Nhiều người còn cho rằng đây là đồ vật do ai đó “xuyên không” bỏ lại.
Cuối cùng, sau một thời gian kiểm định, các nhà khảo cổ học xác nhận miếng thủy tinh đó là một di tích văn hóa. Nó là một món đồ tùy táng được đặt trong ngôi mộ của Triệu Bá Vân. Theo cuốn “Gia định xích thành chí”, Triệu Bá Vân là cháu chắt đời thứ 7 của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận.
Ngoài miếng thủy tinh hình tròn, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một miếng ngọc bích hình tròn tương tự trong ngôi mộ. Chúng là một cặp đi cùng với nhau. Triệu Bá Vân vốn là một văn nhân thời Nam Tống. Cả đời ông đeo đuổi sự trang trọng nên đã đặt làm miếng thủy tinh cùng miếng ngọc hình tròn để thể hiện khí chất cao quý của mình. Ông luôn mang chúng theo bên mình, sau khi chết ông cũng lựa chọn đem theo xuống mộ.
Theo báo cáo của các nhà khảo cổ, trong mộ của Triệu Bá Vân, họ còn tìm thấy nhiều bộ quần áo, tất, giày, phụ kiện làm bằng lụa, gấm, lụa bông… có niên đại từ thời Nam Tống được làm bằng kỹ thuật dệt may hiếm có trên thế giới. Lô di vật văn hóa này quý giá tới mức họ đã gọi chúng là “Tống phục chi quan”.
Việc khai quật ngôi mộ của Triệu Bá Vân không chỉ giúp hậu thế có cơ hội hiểu được nền văn hóa lâu đời của Trung Quốc mà còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ văn hóa.